• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ VINASTAS: Cần chế tài chặt chẽ cho Luật về Hội

Thời sự 26/10/2016 06:39

(Tổ Quốc) -Dự án Luật về Hội vẫn còn nhiều nội dung chưa được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí, đồng thuận cao bởi cho rằng, nhiều quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ngày 25/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về Dự thảo Luật về Hội. Khi cho ý kiến về các trường hợp bị hạn chế quyền lập Hội, vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau về Khoản 5, Điều 8 quy định "Hội không liên kết, gia nhập các Hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

ĐB thảo luận về dự thảo Luật về Hội  (Ảnh: Hà Giang)

Một số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy là cần thiết nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân...

Dù vậy, vẫn có ý kiến trái chiều khi cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, quy định về tiếp nhận tài trợ nước ngoài cần phải được linh động nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội.

Góp ý về quy định này, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phân tích, nếu quy định như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội này, nhất là trong bối cảnh phải tự chủ tài chính.

Hiện Hội chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của 4 hội quốc tế, là thành viên của phong trào chữ thập đỏ quốc tế, như vậy sẽ vi phạm quy định theo dự thảo luật.

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay, tình trạng các Hội nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài, nhất là các Hội về khoa học, kỹ thuật và chuyên ngành khác hiện khá phổ biến, do đó Luật không nên quy định quá khắt khe trong lĩnh vực này.

ĐB này cũng bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo Luật về Hội quy định các “trường hợp đặc biệt” mới được nhận tài trợ nước ngoài. Điều này có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

Trình bày quan điểm của mình, ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cũng cho rằng, việc quy định không cho phép nhận tài trợ của nước ngoài với các tổ chức hội là cứng nhắc. Trên thực tế, nhiều Hội đã nhận tài trợ nước ngoài để phục vụ an sinh xã hội, tất nhiên phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các Hội về vấn đề này.

“Nên chăng, chỉ áp dụng việc không nhận tài trợ gây phương hại đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến xã hội. Còn đối với các tài trợ đúng với tôn chỉ, hoạt động mục đích của hội nên cho phép”, ĐB này nói.

Về cơ bản, dự án Luật về Hội vẫn còn nhiều nội dung chưa được các ĐB nhất trí, đồng thuận cao, đặc biệt là về Khoản 5, Điều 8 quy định "Hội không liên kết, gia nhập các Hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài". Vì thế, nhiều ĐB cho rằng, dự thảo Luật về Hội “chưa đủ độ chín để thông qua”.

ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, rút kinh nghiệm từ Luật Hình sự, khi còn nhiều ý kiến khác nhau, những vấn đề chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn thì chúng ta nên tiếp tục xem xét để cân nhắc thật kỹ. Bởi Luật về Hội là một trong những luật có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội.

Cần chế tài chặt chẽ cho Luật về Hội

Sáng nay, câu chuyện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố "67% nước mắm nhiễm arsen" gây hoang mang trong dư luận đã được một số ĐBQH dẫn lại khi bàn về dự luật này.

ĐB Cao Đình Thưởng chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật về Hội (Ảnh: Hà Giang)

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Hà Nội) cho rằng, do thời gian gấp nên việc tiếp thu các ý kiến cho dự thảo còn chưa thấu đáo, nhiều quy định chưa nhất quán với các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là còn có những vấn đề có quy định nhưng chưa phù hợp với thực tế.

“Do đó tôi cho rằng cần có thêm thời gian để chỉnh lý dự thảo luật nên chưa nên thông qua dự án Luật về Hội trong kỳ họp này. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nội dung của dự thảo Luật còn những vấn đề chưa được làm rõ, các quy định khi được ban hành chưa thực tế thi nên kéo dài thêm thời gian là cần thiết”, ĐB Cương trình bày quan điểm.

ĐB Cương cũng dẫn chứng, vừa qua, dư luận ồn ào nổi sóng khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố hàm lượng thạch tín (arsen) trong nước mắm gây hoang mang cho người tiêu dùng, làm thiệt hại cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo ĐB Cương, điều quan trọng là công bố tiêu chuẩn an toàn VSTP là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải quyền của Hội. Nghị định 45/CP (Điều 23) quy định thẩm quyền của của Hội thì không có bất cứ điều khoản nào cho phép Hội công bố các vấn đề này. Trong khi đó điều 24 của NĐ 45 quy định không được lợi dụng hoạt động Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội...

“Hậu quả của việc công bố trái phép của Vinastas tới đây sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý và có thể sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 1 (Điều 40 của NĐ 45). Nhưng qua việc này cần đặt ra cho Luật về Hội là cần phải tiếp tục, xem xét hoàn thiện NĐ 45. Hiện nay quy định này được đưa lên thành quy định cấm tại khoản 3 Điều 9 của Dự thảo nhưng cần quy định rộng hơn là không cho phép các hội làm những việc không có uỷ quyền của cơ quan quản lý nhà nước”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh trước Quốc hội.

Cũng dẫn chứng về Vinastas, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa trong Luật về Hội.

ĐB Thưởng cho rằng, mặc dù thẩm quyền của các Hội đã được quy định rõ trong Luật nhưng trên thực tế có những tổ chức, cá nhân vẫn vi phạm.

“Vì thế, cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm. Trong dự thảo Luật về Hội cũng đã có những quy định về sáp nhập, tách, giải thể hội. Nếu Hội vi phạm đến lần thứ 2 thì có thể giải thể. Và thậm chí truy tố trước pháp luật nếu Hội vi phạm nặng”, ĐB Thưởng nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ