• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị "nổ ngực": Nâng ngực thế nào mới an toàn?

Sức khỏe 30/10/2018 13:46

(Tổ Quốc) - Theo các bác sĩ, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại túi ngực với giá cả, chất lượng khác nhau cũng như đây không phải là phương pháp duy nhất để nâng ngực.

Ít ngày qua, cư dân mạng xôn xao với hình ảnh ghi lại cảnh lấy túi ngực bị vỡ của Mai Tường Vi (nghệ danh Ivy Trần, em gái kết nghĩa của ca sĩ Quách Tuấn Du tại một bệnh viện (BV) thẩm mỹ. Theo chia sẻ của nạn nhân, cô phát hiện mình bị vỡ túi ngực trên chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 1.

Mai Tường Vi chia sẻ về sự cố vỡ túi ngực vừa qua.

Vỡ túi ngực trên máy bay chỉ là "trùng hợp"

Trước việc nhiều người cho rằng Mai Tường Vi bị "nổ ngực" trên máy bay vì áp suất quá cao, BS Phan Hiệp Lợi, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Thực tế, bệnh nhân Vi chỉ bị vỡ túi ngực từ bên trong gây rò silicon. Có nhiều nguyên nhân gây ra chuyện này như túi ngực bị tác động rất lớn từ bên ngoài hoặc túi đặt cho bệnh nhân có vấn đề.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 2.

Một ca phẫu thuật vì biến chứng sau khi nâng ngực nhiều năm.

"Thực tế túi ngực của bệnh nhân trên đã được đặt 7 năm, tùy theo cơ địa của từng người sẽ gây bào mòn túi ít hay nhiều, nảy sinh những điểm rò ra ngoài. Điều này tương tự như bơm quá căng một bóng nước, chỉ cần đâm một lỗ thì nước cũng xì ra. Chưa kể khi bệnh nhân sinh hoạt, bóp ngực thì silicone sẽ tràn ra ngoài vỏ bao và nằm trong khoang ngực.

Cũng có thể bệnh nhân có một nang nào đó gần chỗ đặt túi ngực gây tăng tiết, tạo dịch trong khoang.

Tóm lại, silicone chỉ nằm trong bao xơ chứ không lan tỏa ra bên ngoài mô. Lúc này bệnh nhân có thể cảm thấy ngực bị xệ xuống so với bên còn lại hoặc gây biến dạng, chứ không ảnh hưởng đến tính mạng của khách hàng. Để giải quyết, bệnh nhân sẽ tìm đến BS thẩm mỹ lấy túi ngực cũ ra và thay mới" - Một BS chuyên khoa thẩm mỹ tại TP.HCM phân tích.

Theo các BS, áp suất khí quyển bình thường, áp suất trong khoang máy bay với áp suất ở mặt đất tương đương nhau (khoảng 760 mmHg).

Cho dù thay đổi độ cao đột ngột thì áp suất trong máy bay cũng không hề thay đổi. Trường hợp rơi tự do gây lệch áp suất thì bệnh nhân cũng chỉ cảm thấy khó thở, nghiêm trọng lắm là chảy máu mũi.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 3.

Sau phẫu thuật đặt túi ngực mới, bệnh nhân cần được theo dõi tại BV ít ngày.

Do đó không có chuyện áp suất quá cao gây vỡ túi ngực, nhất là khi độ bền của silicone y tế rất cao.

BS thay túi ngực mới cho Mai Tường Vi nhận định, việc nữ ca sĩ vỡ túi ngực khi đang đi máy bay chỉ là ngẫu nhiên.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 4.

Phần túi ngực cũ sau khi lấy ra.

Sau khi về nhà, bệnh nhân cũng không điều trị ngay mà chỉ uống thuốc giảm đau. Đến vài ngày sau khi vào viện kiểm tra, ngực cũng chưa bị hoại tử hay nhiễm trùng.

"Tôi nghĩ kỹ thuật của người đặt ngực cho bệnh nhân 7 năm trước không có gì phải bàn, vấn đề chủ yếu ở chất liệu túi ngực giòn và dễ gãy, chất lượng kém thôi" - BS nói.

Nâng ngực thế nào là an toàn?

BS Hiệp Lợi chia sẻ, trên thị trường có rất nhiều loại túi ngực với giá cả, chất lượng khác nhau. Hiện nay, nhiều hãng sử dụng công nghệ nano giúp túi ngực chống cứng rất tốt.

Loại túi mà bệnh nhân Vi sử dụng có xuất xứ từ Pháp. Loại túi này có thời gian sử dụng không cao, có tỉ lệ xì rò khá nhiều nên bị rất nhiều bệnh nhân kiện cáo. Hiện tại hầu như ít được khách hàng lựa chọn.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 5.

Một loại túi ngực sử dụng phổ biến hiện nay.

Về thời gian sử dụng túi ngực, thông thường nhà sản xuất uy tín sẽ bảo hành trọn đời cho khách hàng. Có những trường hợp sử dụng đến 25-30 năm mà chất lượng vẫn rất tốt. Tuy nhiên, BS thẩm mỹ sẽ khuyến cáo bệnh nhân nên đi kiểm tra sau 10-15 năm và nếu cần thì phải thay mới để dự phòng tình trạng rò rỉ, biến dạng.

Thực tế, thời gian bao lâu không chỉ do chất lượng của túi mà còn do các nguyên nhân như:

1.Phản ứng của cơ thể đối với túi ngực

Trung bình một túi ngực "sống hòa bình" với cơ thể khoảng 10-20 năm. Sau đó, tùy theo cơ địa mỗi người mà túi ngực có thể bị bao xơ và các triệu chứng mới xảy ra.

Lúc này, khách hàng cần được khám, đánh giá lại tình trạng sức khỏe, tình trạng của bao xơ, tình trạng thẩm mỹ của vú để xem có nên can thiệp tiếp hay không.

2. Mức độ lão hóa của mô vú

Ở những phụ nữ nếu nâng ngực mà sinh con và cho con bú nhiều thì các mô của tuyến vú sẽ bị lão hóa, sệ, làm vú mất hình dạng thẩm mỹ. Đây là vấn đề của mô tuyến chứ không phải vấn đề của túi ngực. Do đó nếu muốn dáng ngực luôn đẹp tuyệt đối, cách duy nhất là không cho con bú hoặc chỉ cho bú trong tháng đầu.

3. Chất liệu túi ngực

Túi ngực hiện nay vốn có vỏ bao dày, chắc, chịu lực lớn nhằm chống rò rỉ chất gel bên trong ra ngoài và chịu lực va đập. Trước khi túi ngực vỡ, những mô xung quanh cơ thể đã bị tổn thương trước.

Silicon làm vỏ bao rất bền và không chịu một phản ứng hóa học nào dù ở bên ngoài hay bên trong cơ thể.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 6.

Một ca bơm siliccone trôi nổi trên thị trường khiến ngực hoại tử, phải lấy ra.

Các BS cho biết thêm, ngoài đặt túi ngực thì còn một số cách khác để cải thiện vòng 1 cho chị em. Có thể kể đến là việc bơm mỡ tự thân. Ngoài ra còn có một số chất làm đầy để nâng ngực. Tuy nhiên phương pháp này chưa được kiểm chứng.

Với bơm mỡ tự thân, BS sẽ lấy mỡ từ bụng, đùi, hông lưng hay cánh tay ghép vào ngực nên sẽ có thêm phẫu thuật hút mỡ bằng sóng siêu âm. Số lượng mỡ này sẽ được lọc, ly tâm trước khi bơm vào ngực.

Kết quả của phẫu thuật còn phụ thuộc vào số lượng và lần bơm, dinh dưỡng của bệnh nhân sau bơm.

Tuy nhiên theo BS, nhược điểm của việc nâng bằng mỡ tự thân sẽ xảy ra tình trạng hao hụt mỡ tùy theo cơ địa mỗi người, có thể chỉ còn 20-30%. Nếu bơm không đều, sau này có thể hình thành bướu sợi trong người bệnh nhân.

Từ vụ em gái kết nghĩa Quách Tuấn Du bị nổ ngực: Nâng ngực thế nào mới an toàn? - Ảnh 7.

Các BS chia sẻ, không có biện pháp nâng ngực nào an toàn tuyệt đối.

Với đặt túi ngực, trừ những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hay có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường… không đủ sức khỏe mổ thì không có chống chỉ định cho thủ thuật này.

"Mọi thủ thuật nâng ngực đều có một rủi ro nhất định nên không thể nói bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nếu BS phẫu thuật có kinh nghiệm, làm đúng tất cả các quy trình thì nguy cơ biến chứng sẽ giảm đến mức thấp nhất.

Các nguy cơ có thể dẫn đến sau khi phẫu thuật đặt túi ngực là chảy máu vết mổ, nhiễm trùng, biến dạng, bất cân xứng hai bên ngực. Tuy nhiên tỉ lệ xảy ra không cao" – một BS chuyên ngành thẩm mỹ khẳng định.

BS khuyên chị em nếu muốn thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ, làm đẹp nên tìm hiểu kỹ thông tin, chọn những cơ sở uy tín, chất lượng và có giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động rõ ràng.

Trước khi thực hiện thủ thuật phải yêu cầu BS thông báo kỹ tỉ lệ biến chứng và nguy cơ rủi ro có thể gặp phải.

Hoàng Lê

NỔI BẬT TRANG CHỦ