Từ ý định bỏ học vì thương cha mẹ không đủ tiền đóng học phí đến nhà khoa học chạm tay ra thế giới
(Tổ Quốc) - Chúng tôi gặp TS. Nguyễn Thị Minh, một nhà khoa học cả đời gắn bó với nông nghiệp và người nông dân trong những ngày đầu thu Hà Nội, nghe cô kể hành trình học tập đầy chông gai của mình cũng cuộc đời làm nghiên cứu khoa học, và cả những triết lý dạy con mình.
Suýt bỏ học vì thương cha mẹ không đủ tiền đóng học phí
Tuổi thiếu niên của cô là những năm Mỹ ném bom miền Bắc, học trò đi học còn mang theo cáng cứu thương, túi cứu thương, cuốc để đào hầm và mũ rơm phòng bom bi và mảnh bom. Hoàn cảnh đất nước lúc đó đã thiếu thốn, hoàn cảnh của gia đình lại càng khó khăn hơn. Mấy chị em trứng gà, trứng vịt cứ thế dần dần lớn lên trong cái gia cảnh ngày càng nghèo khó, bao bọc nhau trong một tổ ấm mà cái xác xơ đói rét luôn rình rập, nhường nhau ăn và không bỏ học.
Cô gái Nguyễn Thị Minh (Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) bước vào cấp 3 lúc 13 tuổi rưỡi (hệ 10 năm), với nỗi hoang mang bỏ học vì nghèo luôn ám ảnh. Một gia đình 9 miệng ăn, thóc gạo khan hiếm, chiến tranh bom đạn trên đầu, thanh niên trong làng cứ lớn lên là ra mặt trận, ở lại làng làm ruộng toàn là phụ nữ, ông bà già với trẻ con.
Dù vô cùng vất vả và nghèo khó, nhưng cô luôn đam mê học hành. Cô yêu thích Tiếng Nga ngay từ khi bắt đầu làm quen với nó. Cô nghĩ ra cách học từ mới mà bây giờ người ta hay dùng như "Flashcard". Một mặt viết từ Tiếng Nga, một mặt viết nghĩa Tiếng Việt. Mỗi ngày tự khoán cho mình phải học thuộc 10 từ.
Việc kiên trì, và không khoan nhượng với bản thân, nhất định mỗi tháng học 300 từ đã giúp cô trở thành "ngôi sao" học ngoại ngữ tại trường. Khi các bạn không nhớ, các bạn hỏi là một lần mình được ôn lại bài. Nhờ vậy cô trở thành "cây từ điển" của lớp . Bất cứ lúc nào, dù đi làm đồng, trên đường từ nhà đến trường, hay lúc nấu cơm, quét nhà… đều là thời gian học và làm bài tập trong đầu.
Đến giữa lớp 9, cô gái trẻ nghĩ rằng con nhà nghèo mà học lên cao là sử dụng một cách xa xỉ công sức của bố mẹ. Thời đó được học cấp 3 là niềm mơ ước của bao trẻ nhà quê. Mỗi khi sắp đến kỳ đóng tiền học trẻ con lại lo lắng bồn chồn không biết mẹ có vay chạy được tiền đóng học không, bố mẹ đã méo mặt vì lo cho các em bữa đói bữa no rồi.
Cảm thấy có lỗi và sau nhiều ngày suy nghĩ, cô gái tự quyết định lên văn phòng nhà trường xin rút học bạ, bỏ dở việc học hành. Bỏ học! Đó là một quyết định rất đau đớn.
Thật may là thầy giáo đã đến tận nhà nói chuyện với bố mẹ. Sau đó nhà trường không chấp nhận cho rút học bạ. Cô tiếp tục được học hết cấp 3. Tốt nghiệp phổ thông năm 1971, cô Minh càng ý thức mạnh mẽ hơn rằng mình không nên đi học nữa, đừng lạm dụng công sức của bố mẹ, và nên biết thương đến các em. Mặc nhiên không dám nghĩ đến việc thi đại học, nên chẳng ôn thi làm gì. Từ đó gần như an phận gái quê, sẽ chân lấm tay bùn gắn với ruộng đồng, mặc dù lửa học còn âm ỉ cháy.
Một buổi sáng năm 1971, ngay khi vừa ăn xong bát cơm nguội, chuẩn bị lấy sòng ra đồng tát nước thì các bạn cùng lớp ào đến, trên xe đạp bạn nào cũng lỉnh kỉnh sách vở, túi quần áo, túi lương thực chuẩn bị ăn mấy ngày. Các bạn đến rủ đi thi đại học! Lửa học trong lòng lại đột ngột bùng lên, cô tủi thân dựa bộ sòng vào mái hiên, úp mặt khóc. Bố cô chắc lúc đó thấy mủi lòng, bố bảo cất sòng, chuẩn bị tư trang, bảo mẹ chuẩn bị cho mấy bát gạo vài đồng bạc để đi thi đại học.
Năm đó cô đỗ Đại học Nông Nghiệp I, xếp thứ 9 toàn khoá. Nhưng vì lý do nào đó mà địa phương không cho đi. Ngày đó cơ quan hành chính địa phương có quyền quyết định cho học sinh đi học đại học hay không.
Các bạn lần lượt nhập trường, và tíu tít gửi thư về, ngoài việc kể chuyện mình, bạn nào cũng không quên động viên cô thi tiếp. Chưa biết nên tìm lối nào cho mình ngoài việc an phận làm một cô thôn nữ, cô nghĩ nên tập trung giúp bố mẹ vực kinh tế gia đình. Liền 4 năm sau, cô không thi đại học nữa, cũng không lấy chồng sớm như các bạn cùng trang lứa trong làng.
Một hôm cô ngạc nhiên nhận được một gói bưu phẩm, đó là bộ sách giáo khoa của 3 môn Toán, Hóa, Sinh và một bức thư do bạn lớp trưởng viết: thầy giáo bảo các bạn thu gom và gửi về cho mình ôn thi. Quá cảm động, cô ngồi khóc một mình cho hoàn cảnh trớ trêu, nhưng lại vui mừng vì khi móng chân đã nhuộm vàng màu bùn, con người đã nhuốm màu thôn nữ, thì Thầy và các bạn vẫn nhớ đến mình, vẫn động viên mình đi học.
Thế là, cô quyết không phụ công thầy và bạn, lại vừa làm vừa học. Từ vai trò một cô kế toán đội sản xuất ở nông thôn, ngày đi gặt, tối về đập lúa đến 10 giờ đêm, về ăn cơm tắm rửa xong thì đã 11 giờ, đám thanh niên lại ra kho ngủ "canh thóc", vì thóc đầy sân kho, đói kém người ta hay xúc trộm. Sau 11 giờ đêm các bạn ngủ rồi, cô bắt đầu chong đèn dầu lên học. Ai cũng ngạc nhiên vì 20 tuổi cô vẫn còn học và chưa chịu lấy chồng, khi mà tuổi đó ở nông thôn đã bị xếp vào hàng ngấp nghé ế chồng đến nơi.
Nhà khoa học xắn quần, lội ruộng, bắt vịt như nông dân và quyết tâm phải học bằng được tiếng Anh
Công việc cả đời của TS. Nguyễn Thị Minh là làm việc ở trang trại với vật nuôi, với công nhân, và những người nông dân chân chất và giàu kinh nghiệm chăn nuôi vịt thả đồng. Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), cùng với đồng nghiệp, cô triển khai những đề tài về tạo giống, ấp trứng, thức ăn chăn nuôi, phát triển những mô hình trang trại kết hợp cá-lúa-vịt, giảng dạy kiến thức khuyến nông tại các tỉnh trên cả nước, học thêm ngoại ngữ, tham gia các dự án trong nước và quốc tế, làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, tham dự các hội nghị quốc tế chuyên ngành…
Tất cả thanh xuân cô dành cho công việc. Điều thú vị là, cô là nhà khoa học cả thực tế lẫn lý thuyết, luôn thực hành từ trang trại đến phòng thí nghiệm, có cái nhìn tổng quan về ứng dụng nghiên cứu vào thực tế. Người ta nhìn thấy cô xắn quần, lội ruộng, bắt vịt như nông dân, nhưng hôm sau lại thấy trong phòng nghiên cứu hoặc báo cáo hội nghị khoa học quốc tế.
Tiếng Anh là công cụ đắc lực hỗ trợ TS. trong nghiên cứu khoa học và giúp cô tự tin khi làm việc với đồng nghiệp nước ngoài. Những năm 80-90, Khi nhìn các đồng nghiệp gật gù trong các buổi họp, nhưng lại loay hoay nói Tiếng Việt hoặc Tiếng Nga khi thảo luận với các đối tác nước ngoài, khiến cho công việc bị cản trở và thiếu hiệu quả, cô thấy có động lực thôi thúc phải đi học Tiếng Anh.
Trong đầu nghĩ, dứt khoát mình phải biết tiếng Anh, ít nhất là trong chuyên môn của mình và trong giao tiếp thông thường nhất, vậy là cô tự nhủ: "cứ học đi, cứ nói nhiều sẽ thạo, sai rồi sẽ đúng".
Nhân dịp cơ quan cử đi lên Hà Nội học thêm tiếng Anh để có thể làm việc trong dự án, cô gửi 2 con về quê, và mang theo đứa con thứ 3 còn đang bú mẹ theo lên Hà Nội học thêm. Nhờ chăm chỉ học tập, trình độ Tiếng Anh được nâng cao, cô có thể tiếp cận gần hơn với các đồng nghiệp nước ngoài, từ đó có nhiều cơ hội đi làm việc tại quốc tế.
Sau chuyến công tác nước ngoài đầu tiên, cô Minh nhận ra rằng, nếu không giỏi ngoại ngữ thì không thể làm việc được ở một cơ quan nghiên cứu. Thế là hàng ngày thay vì đọc sách tiếng Việt, cô chuyển sang đọc sách tiếng Anh chuyên ngành, tập cả đọc truyện tiếng Anh để hiểu biết cách họ viết văn hay như thế nào. Sách gối đầu giường là quyển tiếng Anh, buổi tối trước khi đi ngủ gần như phản xạ vơ ngay quyển tiếng Anh đọc ít nhất 15 phút, lúc dỗ con ngủ cũng tranh thủ đọc tiếng Anh, cũng có hôm mệt quá cầm sách ngủ thiếp ngay.
Rồi cô mạnh dạn đến Khoa tiếng Anh trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ đặt vấn đề: "Tôi ở Phú Xuyên heo hút, không có cơ sở dạy ngoại ngữ, hoàn cảnh tôi vừa làm việc vừa nuôi con nhỏ nên không thể tham gia một khóa học tại chức tập trung mỗi năm mấy tháng liền, nhưng bây giờ tôi cần học tiếng Anh để làm việc. Vậy nên tôi kính đề nghị khoa cho phép tôi học tại chức theo kiểu xin tài liệu về tự học, hết mỗi học kỳ tôi lên thi. Tôi cũng có chút năng khiếu và thích học nên tôi tin là tôi học được."
Ba tuần sau mới nhận được trả lời chấp thuận. Thế là, trong 4 năm cứ cuối mỗi học kỳ cô nghỉ mấy ngày làm việc để đi thi, hết 4 năm cô đã tốt nghiệp và có bằng đại học Tiếng Anh.
Nhiều năm sau đó, với vốn Tiếng Anh tự học và năng lực nghiên cứu, cô tiếp tục tham gia vào các dự án quốc tế như: nghiên cứu các phương pháp bảo quản trứng với trường Đại học Queensland (Australia), dự án ISNAR nâng cao năng lực nghiên cứu trong các Viện nghiên cứu nông nghiệp của tổ chức CIAR (Hà Lan), dự án DANIDA và dự án SAREC (Thụy Điển), dự án nghiên cứu thiết lập hệ thống nông trại kết hợp vịt-lúa-cá cho các nông hộ (của Đại sứ quán Anh), v.v…
Vừa học vừa làm trong điều kiện thiếu thốn, cô đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ rồi Tiến sĩ khoa học nông nghiệp. Cùng lúc đó, TS. tham dự nhiều hội nghị và chương trình khoa học khác tại: Italy (Hội nghị quốc tế của Hiệp hội khoa học gia cầm thế giới WPSA), Trung Quốc, Thái Lan (khóa đào tạo nghiên cứu chăn nuôi vịt tại Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Bankok), Philippiness (Hội nghị đánh giá năng lực nghiên cứu của các viên nghiên cứu nông nghiệp), Nhật (hội nghị Di truyền vật nuôi thế giới), Pháp (trao đổi kỹ thuật nghiên cứu chăn nuôi vịt ngan với công ty Grimaud Frères, về công tác di truyền giống), Trung Quốc, Đài Loan (Hội nghị về gia cầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương), Canada (dự án vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn trong chuỗi ngành hàng thịt gà), Nhật Bản (hội nghị chăn nuôi Á-Úc), Bỉ (Viện Nghiên cứu chăn nuôi động vật nhiệt đới ATM)….
Cả cuộc đời làm khoa học, TS. Nguyễn Thị Minh đã hợp tác nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế, thực hiện 20 công trình khoa học công bố trên những tạp chí quốc tế, xuất bản sách chuyên ngành, soạn thảo tài liệu kỹ thuật tiếng Anh cùng đồng nghiệp nước ngoài để giảng dạy cho các dự án, tổ chức hội nghị thủy cầm thế giới, biên tập hơn 500 báo cáo khoa học, ở vị trí điều phối tại nhiều hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, làm tư vấn dự án cho Ngân hàng Thế giới và dự án an toàn vệ sinh thực phẩm của Canada.
Những cống hiến cho khoa học nông nghiệp của cô đã được ghi nhận bằng những tấm bằng "lao động sáng tạo" và tấm huy chương "Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn". Cô cũng được ghi danh trong cuốn Bách khoa toàn thư (Almanach) "Người mẹ và phái đẹp", trong danh sách các nhà khoa học nữ.
Một món quà cuối của sự nghiệp, TS. Minh cùng đồng nghiệp vinh dự được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước cho những công trình khoa học đặc biệt xuất sắc về khoa học và công nghệ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
1/ Giải thưởng Hồ Chí Minh: Về "phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam".
2/ Giải thưởng Nhà Nước: Về "Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam của Viện Chăn nuôi giai đoạn 2000 – 2020".
Tài sản lớn nhất để lại cho các con là sự nghiệp học hành
Là nhà khoa học, tài sản lớn nhất TS. Nguyễn Thị Minh để lại cho các con là một sự nghiệp học hành. Cô quan điểm, không gì quý bằng dạy con trân trọng tình thân, bày tỏ cảm xúc đúng nơi đúng lúc, biết chấp nhận thất bại để đứng lên bước tiếp, biết chịu khổ và biết hàm ơn.
Nuôi dạy con là công việc khó nhất, vất vả nhất nhưng đầy tự hào và lý thú của bất cứ người mẹ nào. Cô tham khảo một vài nền giáo dục, và hiểu rằng cần phải giúp trẻ XÂY DỰNG VỊ TRÍ SAU NÀY CHO MÌNH TRONG XÃ HỘI.
Do được tiếp cận với Tiếng Anh và tài liệu giáo dục chuẩn, cô tập trung vào dạy con tự lập, tăng kỹ năng và tư duy. Kết quả học tập sẽ đến như là một kết quả tất yếu của những kỹ năng nền tảng trên, chứ không phải từ việc chinh phục bộ đề.
Cô cũng chứng kiến những đứa trẻ nước ngoài dành cả thời gian học phổ thông và nhiều năm sau đó chỉ để học và làm chuyên môn mà họ thích, tức là chuyên sâu từ rất sớm. Nếu chọn nhầm, họ sẵn sàng từ bỏ để làm lại. Khi đó, ra trường không có chuyện "làm trái ngành", họ rất vững vàng và tràn đầy năng lượng để tiếp tục trau dồi và phát huy năng lực. Đây là mô hình tháp ngược trong giáo dục tại các nước phát triển. Nghĩa là càng lớn càng tích lũy được nhiều, và vững vàng trong chuyên môn. Trong việc nuôi dạy con, cô tự nhủ, mình phải là một người mẹ trí tuệ chứ không chỉ yêu thương.
Cô dạy con biết tư duy, không an phận thủ thường. Cô dùng phương pháp "cho tự lập, có giám sát" ngay từ nhỏ, mẹ không "làm hộ" mà chỉ"làm cùng". Lúc nhỏ thì tập cho tự lập, lớn dần tập cho con tự quyết định những công việc của con.
Khi các con vào cấp 2, vốn có nề nếp được giáo dục từ trước, cô bắt đầu để các con tự quản một gia đình nhỏ gồm mấy chị em với nhau. Cô em lớp 6 nấu nướng, quản lý chi tiêu, nuôi chị ôn thi đại học. Cô chị gia sư, dạy kèm và kiểm tra việc học tập của em…
TS. Minh cho con học tiếng Anh từ những năm 198x, trẻ được tiếp xúc ban đầu với những quyển họa báo trên máy bay từ chuyến đi công tác nước ngoài của mẹ. Bọn trẻ cứ xem trước, cứ thích mê ly những hình ảnh đẹp đẽ trên mấy tờ tạp chí. Dù con chưa biết chữ nào, nhưng cô chỉ cho các con: đây là cây cầu Cổng Vàng ở New York nước Mỹ, đây là đền Taj Mahal ở Ấn Độ…, để bọn trẻ thêm những câu hỏi tại sao, như thế nào một cách háo hức, rồi từ từ giải thích mở rộng dần kiến thức, kích thích tính hiếu kỳ của con.
Dần dần bọn trẻ có ý nghĩ ngưỡng mộ những gì ngoài thế giới và hình thành ước mơ khám phá.
Vừa làm nhà nghiên cứu, cô vừa làm giáo viên Tiếng Anh cho các học sinh và cán bộ của huyện, đồng thời cũng dạy mấy đứa con học từ những chữ đầu tiên. Việc học cùng với mẹ vừa vui, vừa gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khiến cho Tiếng Anh không có áp lực mà lại rất hiệu quả với bọn trẻ.
Ở thời điểm vô cùng thiếu thốn và nghèo nàn, nhưng phần chi tiêu lớn nhất của cô cho con vẫn nằm ở sách và báo chí. Tụi nhỏ được đọc báo Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Toán học tuổi trẻ…rồi rất nhiều sách trong nhà. Khi con được học sinh giỏi quốc gia, cô cũng đầu tư "thưởng" cho các con một bộ máy tính to để bàn, cả máy in, với giá trị 10 triệu, trong khi xây ngôi nhà cơ ngơi khang trang 2 tầng chỉ hết 100 triệu. Bộ máy tính cho con học =1/10 giá trị ngôi nhà.
Nhờ có "phần thưởng" này mà các con rất tích cực học, lại được cài đặt từ điển tiếng Anh để học học ngoại ngữ. Cô ước mơ một ngày nào đó các con được đi du học. Khi có niềm tin là mình sẽ làm được, cô đã tìm nhiều phương pháp khác nhau.
Khi con gái học năm thứ 2 đại học, cô đã đầu tư vé máy bay và đưa con đi hội nghị quốc tế, coi như "phần thưởng đỗ đại học". Vào hội nghị con được tự do tiếp xúc với đồng nghiệp nước ngoài, nói chuyện chuyên môn, vừa kích thích con nâng cao khả năng tiếng Anh, vừa tập tiếp xúc với chuyên ngành ở tầm quốc tế.
Sau đó, cô nhấn lên một bước nữa: đặt tạp chí quốc tế hàng tháng gửi về trường cho con, rồi các bạn và cả thầy cũng mượn để đọc ké.
Với bao nhiêu năm dạy con Tiếng Anh, cho con tiếp xúc với quốc tế, và gieo ước mơ cho con, đã đến lúc các con tự có ước mơ du học của riêng mình. Không cạnh tranh, không thi kiểu gà chọi, cô tập trung dạy con hiểu sâu bản chất kiến thức, yêu thích việc học và tự tìm tòi học tập mọi điều mình tò mò. Vậy là các con tự thi chứng chỉ tiếng Anh, tự tìm học bổng, tự làm hồ sơ, tự phỏng vấn du học… Cô chỉ tuyên bố: nếu đi du học mà cần thêm tiền thì báo trước mẹ 1 năm, kiểu gì mẹ cũng lo được.
Hiện nay T.S Nguyễn Thị Minh hơn 70 tuổi đã nghỉ hưu, và chỉ chăm sóc cây cối, tỉa hoa và làm thơ. Các con đều làm việc khắp thế giới, chỉ con hai cụ già bên nhau mỗi ngày. Vừa mong gặp con, ăn cơm cùng con, bóp lưng cho mẹ đau, nhưng cũng vừa mong các con "sải cánh" mà phát triển.