• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tuân Nguyễn - Tôi là người có lỗi… (*)

12/06/2008 23:13

(Toquoc)- Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa biên soạn cuốn sách “Nhớ Tuân Nguyễn” (NXB Hội Nhà văn, 2008). Sách 420 trang là tập hợp đầy đủ nhất sáng tác và cuộc đời của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh.

(Toquoc)- Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa biên soạn cuốn sách “Nhớ Tuân Nguyễn” (NXB Hội Nhà văn, 2008). Sách 420 trang là tập hợp đầy đủ nhất sáng tác và cuộc đời của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh.

Đã 25 năm Tuân Nguyễn về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ.  

Ở nhà anh Phùng Quán sau Trường Chu Văn An, tôi thấy có trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo mà Phùng Quán viết trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, và Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỷ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kinh cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Năm 2003, sau khi  ra mắt cuốn “Nhớ Phùng Quán” (NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn “Phùng Quán- Ba phút sự thật” cho NXB Văn Nghệ, tôi đã coi bài viết này là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp bị ô tô tông chấn thương sọ não, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăng trối cuối cùng của Tuân Nguyễn: “Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…”.

Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI! Phùng Quán kể, Tuân Nguyễn định viết bài thơ dài, nhan đề: Tôi có lỗi. “Tôi ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng Đế đã trao cho mình”. Lỗi là lỗi như thế.  

Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì cách mạng. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên đảo lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận. Học trường  Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, làm thơ. Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh đã  thoát ly theo cách mạng. Năm 1949, anh tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa gầy yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội… Thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Năm 1954  anh vào Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn khoá I. Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.     

Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết  Người mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh mê Đốtx, nghiện Đốtx. Anh thích thơ Chế Lan Viên. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực rất khổ của người dân. Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam, “Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “Anh nhìn bằng tim tim anh trong vắt”, anh làm thơ về Trần Thị Lý: Sau cơn bão tố nặng nề/ Màu quê hương vẫn chẳng hề bay đi” (Hoa Lý), anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trỗi.v.v. Anh viết nhiều bài thơ tình rất sâu sắc: Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu/ Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng (Không dề I); Khi tình yêu đi qua/ Một mảnh buồn ở lại (Không đề II)… Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè: Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười; Phật nào lấp được bể trầm luân… Bạn bè anh hay nhắc bài thơ Nghe nhạc Johann Strauss:

Sông Hồng bỗng xanh màu Đa nuýp

Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao

Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp

Những con người nước lạ phải lòng nhau

Nghe bản nhạc Sông Đa Nuýp xanh của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý thơ Sông Hồng bỗng xanh màu Đa nuýp là rất nhạy cảm. Câu thơ Những con người nước lạ phải lòng nhau chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in nhiều ở báo Văn Nghệ, báo Thống Nhất, phát trong buổi Tiếng Thơ. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện.  

Khi Phùng Quán “bị nạn”, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn  đi thực tế về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, viết bài tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. Bài viết bị trưởng phòng cho là “không có lập trường”, nói xấu cán bộ thuỷ lợi... Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể: “Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký… cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H. người cùng Phòng Văn nghệ lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…”. Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ Khóc thầy”. rất cảm động. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai: Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất/ Tiếng nói của lương tâm/ Đau đớn này đau đớn nào hơn/ Chân lý không muốn nằm dưới đất… Và đây là hai câu kết: Chúng con đi sau linh cửu của thầy/ Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa.

Khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn (tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách  này), là người cùng phòng, lại đồng hương lấy. Anh Vấn rất đau khổ trước sự độc mồn độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyễn đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Khi Tuân Nguyễn gặp nạn, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn vừa tôn vinh một người bạn đồng hương Huế tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình!

Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyễn như là sứ giả của Thượng Đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý, là con gái của  ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của  trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn, dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái CHẤT NGƯỜI cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng? Nhà văn Thái Vũ viết: “Quả là “mệnh trời” khi Tuân gặp Thuý…. Trong thời buổi chữ “tài” đang lay lắt thì chữ “mệnh” đúng là đã cứu vãn một kiếp người…”

Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buồng 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp xoong, bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường… Sau khi có nhà Tuân Nguyễn- Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình. Tuân Nguyễn làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiều bản gửi đi mời bạn bè. 

Quá nghèo nên tạm thế này thôi

Đâu dám làm cho khác mọi người

Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn

Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi

Bao năm nghoảnh lại hoàn tay trấng

Một sáng nhìn lên miệng hé cười

Thiếp báo là thơ- gìơ gửi tới

Xin mời có dịp đến nhà chơi.

Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyễn- Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người: …Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ nhà thơ như ở đây?/ Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi/ Ba phải đứng vì không đủ chỗ… Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ cô đơn như ở đây?/ Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa/ Sống bằng thơ đau với rượu cay/ Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ yêu thương như ở đây?/ Mỗi tấc đất có một người quỳ gối/ Dâng trái tim và nước mắt/ Cho nỗi đau của cả loài người…

Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyễn- Phương Thuý vào Sài Gòn. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ anh được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức, còn thì giờ thì dịch sách báo. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nới. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo: “Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăng trối câu nổi tiếng: “Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”.

Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một lời nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này: Chính Trí thức là người có lỗi, vì đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, đất nước dân chủ, văn mình…

 

 

--------------

(*) Nhân đọc sách “Nhớ Tuân Nguyễn” (tác giả Trần Phương Trà- NXB Hội Nhà văn, 2008)

 

 

Ngô Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ