(Tổ Quốc) - “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024)” từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 4 năm 2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Thực hiện Quyết định số 508/QĐ-BVHTTDL ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Phim Truyện I, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên tổ chức “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024)” từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 4 năm 2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
“Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Thông qua các tác phẩm điện ảnh nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ta; đồng thời nêu cao vai trò, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp; khẳng định những thành tựu của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đây khơi dậy lòng yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ đã hi sinh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Lễ Khai mạc Tuần phim sẽ diễn ra trọng thể vào lúc 19h30, ngày 24/4/2024 tại Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ với 02 bộ phim do Nhà nước đặt hàng: phim truyện “Đào, phở và piano” - Biên kịch, Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn do Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất năm 2023 và bộ phim tài liệu “Đồng hành cùng lịch sử” - Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn - Nguyễn Ánh Ngọc do Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất năm 2024.
Từ ngày 25 - 30/4/2024 tại Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ sẽ trình chiếu phim truyện “Tiểu đội hoa hồng” (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2021) và phim tài liệu “Ký ức những người truyền lửa” (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2019) cùng 2 bộ phim “Đào, phở và piano”, “Đồng hành cùng lịch sử”.
Từ ngày 18/4 - 30/4, chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tại các địa điểm: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (ngày 19, 20/4); Trung đoàn 82 - Sư đoàn 355 - Quân khu II (ngày 18, 22/4); xã Ảng Cang (huyện Mường Ảng), xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa); các xã: Nà Hỳ, Mường Mươn, Na Sang, Nà Bủng (huyện Mường Chà); Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); Pá Mỳ (huyện Mường Nhé); Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông); Núa Ngam (huyện Điện Biên).
Trong khuôn khổ Tuần phim, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức Chương trình giao lưu giữa các nghệ sĩ điện ảnh của đoàn phim “Đào, phở và piano” và phim “Tiểu đội hoa hồng” với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 - Quân khu II vào 19h30 ngày 25/4/2024 và các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vào 19h30 ngày 26/4/2024.
Các nghệ sĩ tham gia giao lưu gồm:
Đoàn phim “Tiểu đội hoa hồng”: Thiếu tá Nguyễn Quang Quyết, Đạo diễn; Đại úy Phạm Thị Hoài Thương, Biên kịch; Diễn viên Thục Anh vai Phương Chi; Diễn viên Phương Nam vai Đại đội trưởng Hoàng; Diễn viên Thủy Tiên vai Cẩm Tú; Diễn viên Khánh Ly vai Diệu Hoa.
Đoàn phim “Đào, phở và piano”: Biên kịch, Đạo diễn: NSƯT Phi Tiến Sơn; Phó Đạo diễn: Nguyễn Văn Tôn; Quay phim: Hoàng Lâm; Thiết kế mỹ thuật: Vũ Việt Hưng; Hóa trang: Kim Chi;
Và các diễn viên: NSND Trần Lực, NSND Trung Hiếu, NSƯT Nguyệt Hằng, Anh Tuấn, diễn viên Doãn Quốc Đam và diễn viên Cao Thị Thùy Linh.
Cùng đại diện lãnh đạo các hãng sản xuất phim có phim trình chiếu trong Tuần phim.
Các nghệ sĩ điện ảnh sẽ dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ - Chiến trường Điện Biên Phủ vào lúc 16h00 ngày 24/4/2024.
Tóm tắt nội dung phim:
“Đào, phở và piano”: Bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô Hà Nội (đông xuân năm 1946 -1947), vào những ngày cuối cùng trước khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc. Đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô đã tuyên thệ trước khi bước vào đợt chiến đấu mới với khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bộ phim là câu chuyện tình của anh dân quân tự vệ và cô tiểu thư xinh đẹp Hà thành. Bộ phim truyền tải thông điệp về khát khao được sống, được yêu ngay cả trong khói lửa, bom đạn của chiến tranh, từ đó ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước của người Hà Nội.
“Tiểu đội hoa hồng”: Bộ phim nói về cuộc sống, sinh hoạt của những nữ quân nhân những ngày đầu nhập ngũ. Phương Chi - nữ phóng viên Quân đội trẻ tuổi đã bắt đầu những ngày tháng huấn luyện trong quân ngũ với sự háo hức xen lẫn hồi hộp. Những bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu dần dần được xóa nhòa bởi sự quan tâm, sẻ chia của những người đồng đội đáng yêu như Tú, Hoa, Thanh. Các cô gái trẻ cùng nhau vượt qua những bài huấn luyện vất vả, những ngày hành quân gian khổ. Bên cạnh tình đồng chí, đồng đội là những xúc cảm tình yêu, sự cảm mến của Phương Chi dành cho Hoàng - Đại đội trưởng. Sự nghiêm khắc, tận tình của Hoàng giúp Chi trưởng thành, mạnh mẽ, cũng từ đó tình cảm hai người lớn dần. Những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau càng làm tôn lên vẻ đẹp của các quân nhân nữ - những "bóng hồng" nhẹ nhàng, xinh đẹp, nhưng khi ra thao trường, khi làm nhiệm vụ, sự mềm yếu, duyên dáng nhường chỗ cho sự dũng cảm, mạnh mẽ, can trường.
“Đồng hành cùng lịch sử”: Bộ phim khái quát lại diễn biến chiến dịch, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, những chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đã chọn Điện Biên làm quê hương mới. Họ cùng nhau chung sức góp phần hồi sinh mảnh đất chiến trường năm xưa. Bảy mươi năm chiến tranh đã lùi xa, Điện Biên hôm nay khởi sắc về mọi mặt. Tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ toàn Đảng, toàn quân và dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Ký ức những người truyền lửa”: Bộ phim nói về một đơn vị bộ đội là những nam, nữ văn công đã đem những điệu múa, vở kịch, lời ca đến với bộ đội chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong điều kiện chiến tranh khó khăn, họ là nguồn cổ vũ, khích lệ về tinh thần hết sức quý báu cho các chiến sỹ chiến đấu đến cùng, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động tại Tuần phim, Cục Điện ảnh sẽ giới thiệu và trưng bày một số ảnh tư liệu về đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại sảnh Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ; đồng thời, trao tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ bộ ảnh tư liệu này. Đây là hoạt động ý nghĩa, ghi nhận những đóng góp lịch sử quý giá của các cán bộ, nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc bằng hình ảnh, đóng góp vào chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.