(Tổ Quốc) - Việc nỗ lực thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp kéo giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang từng bước giúp các tỉnh Tây Bắc vượt qua "vấn nạn" này để nâng cao chất lượng dân số.
Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, là các tỉnh còn khó khăn.
Hầu hết các tỉnh Tây Bắc còn khó khăn về kinh tế, dân cư thưa thớt, nhiều bản làng biệt lập, cách xa trung tâm. Các tỉnh Tây Bắc cũng là những địa bàn dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài những dân tộc như: Thái, Mông, Dao… còn có những dân tộc rất ít người, với dân số dưới 10 nghìn người mỗi dân tộc như: La Hủ, Cống, Mảng... ở một số nơi do gặp nhiều khó khăn đã kéo theo vòng luẩn quẩn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Toàn huyện Sìn Hồ từ năm 2019 đến nay có 550 cặp vợ chồng tảo hôn. Nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn trên địa bàn, các cấp hội phụ nữ huyện tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình mở rộng thành lập các mô hình câu lạc bộ như Gia đình hạnh phúc, phụ nữ với pháp luật, không sinh con thứ 3 ở các chi hội bản; xây dựng văn bản hướng dẫn về công tác tuyên truyền, vận động; triển khai văn bản, quy định ngăn chặn tình trạng tảo hôn đến các Hội viên phụ nữ... Công cuộc ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cũng được đẩy mạnh tại các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Mường Tè…
Năm 2023, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 839 về việc tăng cường thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố vào cuộc quyết liệt, đa dạng các hình thức để ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Tại tỉnh Điện Biên, huyện Điện Biên Đông cũng có tình trạng một số em học sinh bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Có trường hợp cả hai "vợ chồng" đều là học sinh trung học cơ sở. Năm 2022 vừa qua, huyện Điện Biên Đông có khá nhiều trường hợp tảo hôn. "Nóng" nhất là ở các xã Phìng Dàng và xã Phì Nhừ.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông Trần Đức Trọng cho biết, năm 2023, huyện đang tăng tốc các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn.
Đến nay, phòng đã triển khai xây dựng được 15 pa-nô, áp phích đặt tại trung tâm các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các phòng, ban liên quan như Phòng Tư pháp phát tờ rơi tại các hội nghị, tuyên truyền tại các thôn, bản của các xã có tỷ lệ tảo hôn cao. Lồng ghép tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức về giới tính, về vai trò của người phụ nữ trong xã hội thì lúc này vấn đề tảo hôn sẽ được bà con nhận biết nhiều hơn.
Xã Phì Nhừ cũng đang tích cực vào cuộc, với đối tượng chính là tuyên truyền đến các em học sinh. Ông Phan Đắc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: "Đối với những trường hợp vi phạm, cán bộ xã đến tận gia đình tuyên truyền và giải thích cho người dân hiểu về Luật Hôn nhân, về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nếu không chấm dứt sẽ tiến hành xử phạt hành chính, xử lý theo pháp luật. Xã cũng triển khai đến các hộ gia đình ký cam kết việc không cho con em tảo hôn trong gia đình".
Các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái cũng đang dần loại bỏ những "điểm nóng" về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thông qua các biện pháp tổng hợp. Tùy vào vai trò, chức năng, các ngành, các đoàn thể có những biện pháp phù hợp. Ngành Tư pháp các cấp tập trung tuyên truyền quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình. Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình các huyện tập trung hướng dẫn về những tác hại khi kết hôn trước độ tuổi cho phép, hôn nhân cận huyết thống song song với nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên về sinh sản. Hội Phụ nữ tổ chức các Câu lạc bộ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đáng chú ý, nhiều thành viên của các Câu lạc bộ chính là những phụ nữ từng trải qua tảo hôn… Những biện pháp tổng hợp này đang từng bước giúp các tỉnh Tây Bắc vượt qua "vấn nạn" tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.