• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từng suýt làm Phó Chủ tịch VFF, HLV Mai Đức Chung lại rẽ hướng theo bóng đá nữ như thế nào?

Thể thao 06/07/2023 14:12

(Tổ Quốc)- Ông Mai Đức Chung đã từng có cơ hội để có một vị trí trong bộ máy lãnh đạo của VFF. Tuy nhiên cuối cùng vị chiến lược gia này đã quyết định tiếp tục gắn bó với công tác chuyên môn. Và phần còn lại là lịch sử với bóng đá Việt Nam.

BƯỚC NGOẶT VÀO NĂM 1997

Những ngày tháng 7 năm 2023, người hâm mộ Việt Nam háo hức đón chờ một sự kiện lịch sử, khi đội tuyển nữ Việt Nam có lần đầu tiên tranh tài tại sân chơi World Cup.

Sau những lần lỡ hẹn trong tiếc nuối, cuối cùng các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam cũng khiến giấc mơ trở thành sự thật. Còn với HLV Mai Đức Chung, thành tích này chính là quả ngọt sau bao năm tháng vun trồng, bởi nếu ví sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam như một cái cây, thì chính ông là người trực tiếp vun trồng nó từ những ngày đầu tiên.

HLV Mai Đức Chung từng từ chối ghế Phó Chủ tịch VFF, nhận lời dấn thân theo bóng đá nữ như thế nào? - Ảnh 1.

Năm 1997, bóng đá Việt Nam chứng kiến một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên đội tuyển nữ được thành lập để tham dự SEA Games. Trước đó, bóng đá nữ đã hai lần được tổ chức tại SEA Games 1985 và 1995 nhưng Việt Nam chưa cử đội tranh tài.

Ngay lập tức, câu hỏi lớn được đặt đặt ra: Nên giao đội tuyển nữ Việt Nam cho ai dẫn dắt?

Trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây ít năm, HLV Mai Đức Chung đã tiết lộ câu chuyện nhận lời làm bóng đá nữ, thậm chí bỏ qua cả cơ hội ngồi vào ghế phó chủ tịch VFF.

"Kết thúc mùa giải 1983 tôi nghỉ đá bóng và chuyển sang công tác huấn luyện. Làm từ đội trẻ rồi lên dẫn dắt đội một của Tổng cục Đường sắt đến tận khi đội giải thể vào năm 2000. Đội lúc ấy được Ngân hàng Á Châu (ACB) của bầu Kiên tiếp quản, còn tôi quyết định chuyển sang Tổng cục TDTT đảm nhận vị trí Trưởng bộ môn bóng đá.

Thậm chí, tôi cũng từng nhận được lời mời để về đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch VFF. Dù vậy bản thân tôi thấy mình thích làm chuyên môn hơn nên chuyện đó cuối cùng không xảy ra.

Trong quãng thời gian đó, một sự kiện bất ngờ vào năm 1997 đã tạo bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của tôi. Đó là khi VFF quyết định thành lập đội bóng đá nữ tham dự SEA Games 19 và tôi được Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đội.

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá nữ nhưng sau đó tôi cùng các học trò vẫn vô địch giải tiền SEA Games và vào giải chính thức thì giành được huy chương đồng", HLV Mai Đức Chung nhớ lại.

HLV Mai Đức Chung từng từ chối ghế Phó Chủ tịch VFF, nhận lời dấn thân theo bóng đá nữ như thế nào? - Ảnh 2.

HLV Mai Đức Chung cùng nhiều thế hệ cầu thủ nữ tạo mang về những thành tích đáng nhớ cho bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Linh Đan)

Tiết lộ chi tiết hơn về những khó khăn gặp phải khi chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung bộc bạch:

"Chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ tất nhiên tôi phải có những điều chỉnh về phương pháp huấn luyện cho phù hợp hơn. Ngoài ra còn một điều tế nhị nằm ở sự khác biệt sinh lý nữa.

Cầu thủ nam chỉ đau ốm, chấn thương thì nghỉ, còn với nữ họ có "ngày đèn đỏ" nữa. Mình cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của chuyện đó để tính toán nhân sự, bởi nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, phong độ của cầu thủ".

HLV Mai Đức Chung từng từ chối ghế Phó Chủ tịch VFF, nhận lời dấn thân theo bóng đá nữ như thế nào? - Ảnh 3.

Tài cầm quân của HLV Mai Đức Chung không chỉ thể hiện ở yếu tố chuyên môn mà còn thông qua nghệ thuật đắc nhân tâm với các học trò. (Ảnh: Linh Đan)

LẦN TRỞ LẠI ĐẦY VÔ TƯ VÀ HÀNH TRÌNH TẠO NÊN LỊCH SỬ

Sau tấm huy chương đồng SEA Games 1997, HLV Mai Đức Chung trở lại huấn luyện đội Tổng cục Đường sắt. SEA Games 1999 không tổ chức bóng đá nữ, còn năm 2001 người được trao nhiệm vụ dẫn dắt đội là HLV Steve Darby.

Tuy năm ấy tuyển nữ Việt Nam giành được huy chương vàng nhưng vì một vài lý do, ông Steve Darby đã không tiếp tục gắn bó với độ. Và để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 22 trên sân nhà, lãnh đạo ngành thể thao lại quyết định đặt niềm tin vào HLV Mai Đức Chung.

"Một điều quan trọng là việc sử dụng HLV ngoại cũng kèm theo một khoản chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó tôi vẫn đang là cán bộ Tổng cục TDTT, ăn lương theo chế độ đó thôi, không cần thêm khoản gì kèm theo nữa nên mọi người bàn bạc và thống nhất lại đưa Mai Đức Chung về làm đội nữ. Đó là thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 2003", ông Chung kể lại.

HLV Mai Đức Chung và các học trò đã chính thức có mặt tại New Zealand để chuẩn bị cho những trận đấu lịch sử tại World Cup. (Ảnh: QLB)

Và đó cũng là giải đấu mở ra bảng thành tích ấn tượng của HLV Mai Đức Chung cùng đội tuyển nữ Việt Nam. Vị chiến lược gia này cầm quân ở hai kỳ SEA Games 2003, 2005 và đều giành huy chương vàng.

Sau đó, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông lập nên thành tích vô tiền khoáng hậu với 4 lần vô địch SEA Games liên tiếp từ 2017 đến 2023, và đặc biệt là đỉnh cao với tấm vé tham dự World Cup 2023.

Ông Mai Đức Chung đã từng có cơ hội để có một vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo của VFF. Tuy nhiên cuối cùng vị chiến lược gia này đã quyết định tiếp tục gắn bó với công tác chuyên môn. Và phần còn lại là lịch sử với bóng đá Việt Nam.

"Một chữ để nói về bí quyết thành công của anh Chung với bóng đá nữ, tôi sẽ dùng chữ "Nhẫn". Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy.

Còn nói thật trong công việc có lẽ chúng ta không phải bàn quá nhiều nữa, bởi chỉ nhìn vào những thành tích đạt được đã đủ hiểu tài năng của HLV Mai Đức Chung là như thế nào", cố HLV Lê Thụy Hải từng chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về bí quyết thành công của người bạn, người đồng nghiệp với mình.

Đại thắng 7-0, Indonesia trở thành đối thủ tiềm tàng của tuyển trẻ Việt Nam ở giải Đông Nam Á

Linh Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ