(Tổ Quốc) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng như thẩm tra nội dung này.
Tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo ông Đào Ngọc Dung, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67%. Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%.
Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030). Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%; Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2022-2023 đạt 90%, năm học 2021-2022 đạt 89%. Như vậy chỉ tiêu này vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và đạt chỉ tiêu đến năm 2030.
Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%; Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%.
Theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh 113,6 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái) so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái.
Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới: Hiện nay mới có 9 địa phương triển khai thiết lập cơ sở y tế riêng cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Theo ông Đào Ngọc Dung, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua.
Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược, chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.
Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới.
Tuổi thọ trung bình năm 2023 của phụ nữ là 76,5 tuổi, nam giới là 71,1 tuổi
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ, trong lĩnh vực chính trị: Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định; đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.
Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng ở Ban Chấp hành Trung ương là 9,5%, cấp ủy trực thuộc Trung ương là 15,79%, cấp ủy trên cơ sở là 16,5%, cấp cơ sở là 22,37%. Hiện có ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là nữ.
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng bình đẳng, độc lập trong gia đình và xã hội. Nam giới chia sẻ nhiều hơn trong công việc gia đình và chăm sóc con cái. 3/4 chỉ tiêu của mục tiêu 3 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của Chiến lược.
Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 93,35%, cứ 94 người tham gia bảo hiểm y tế là nam thì có 100 người tham gia bảo hiểm y tế là nữ. Cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn. Tuổi thọ trung bình tăng, năm 2023 của phụ nữ là 76,5 tuổi và của nam giới là 71,1 tuổi.
Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số triển khai thực hiện tại 53 tỉnh. 2/4 chỉ tiêu của mục tiêu 4 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của Chiến lược.
Về tồn tại, hạn chế, cơ quan thẩm tra cho rằng, Tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân là do Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác quy hoạch không quy định cụ thể về tỷ lệ nữ đối với từng vị trí, từng cấp, từng ngành nên khó giám sát, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện.
Còn định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình và tư tưởng thích con trai hơn con gái trên thực tế. Sự thiếu ổn định của đội ngũ công chức quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp. Kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới còn hạn chế.
Về thách thức, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỷ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng lớn.
Do vậy, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn và mắc bệnh mạn tính nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỷ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thuận lợi thì người lao động đối diện với nhiều thách thức về việc làm, đặc biệt là lao động nữ. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tỷ lệ qua đào tạo nghề, tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật của lao động nữ thấp hơn đáng kể so với nam giới thì cơ hội việc làm đối với họ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khoảng cách giới luôn tồn tại trong thu nhập của phụ nữ và nam giới.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới. Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.
Chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi; đánh giá việc thực hiện Chiến lược vào năm 2025, rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu của Chiến lược để bảo đảm phù hợp với thực tế./.