(Cinet)- Không chỉ là một hiện vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, tượng Phật A Di Đà thời Lý được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, một bảo tượng vô cùng quý giá trong kho tàng di sản Việt Nam.
Tượng A Di Đà chùa Phật Tích. Nguồn ảnh: daophatngaynay.com |
Bức tượng Phật A Di Đà hiện đang được lưu giữ tại Chùa Phật Tích. Đây là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo tài liệu cổ thì ngôi chùa này được xây dựng vào năm (1057) dưới thời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072). Hiện nay chùa Phật Tích chính là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, được giới nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước quan tâm và tìm hiểu. Điều đặc biệt được quan tâm nhất đó chính là báu vật của ngôi chùa - “Tượng Phật A Di Đà”.
Phiên bản tượng A Di Đà được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối, có kích thước tương đối lớn, cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,7m. Tác phẩm chia thành 2 phần rõ rệt: Phật A Di Đà và bệ đá tòa sen.
Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Vẻ mặt thể hiện nội tâm cân bằng giữa động và tĩnh. Mặt tượng hình trái xoan, mắt hé mở, chỏm đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn. Hai tai dài rộng, dái tai tròn mọng chảy xuống. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng, cổ cao ba ngấn, vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ xuống phủ kín hai chân. Mình tượng thanh mảnh, trông uyển chuyển nhưng lại rất vững vàng.
Thân tượng với thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước
|
Tượng ngồi trên bệ sen bằng đá với đường nét chạm khắc uyển chuyển, tinh xảo. Nguồn ảnh: vr3d |
Tượng ngồi trên một bệ sen bằng đá, tòa sen được đặt trên bệ đá hình Bát giác với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Bệ sen được tạo hình bởi các đóa sen nở với hai tầng cánh; tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình hai con rồng vờn nhau ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm được chạm những chùm hoa dây mềm mại, cuống hoa có nhiều người leo trèo. Còn mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Co thể nói rằng, tác phẩm điêu khắc này đã đạt đến trình độ tuyệt mỹ.
Tượng Phật A - Di - Đà có những giá trị tiêu biểu, độc đáo có một không hai. Đây là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết cho đến nay. Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau.
Bản phục dựng hoàn chỉnh tỉ lệ nhỏ nhất, có thêm bệ được trưng bày và giới thiệu tới công chúng trong triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới". Nguồn ảnh: tuoitre.vn |
Sự tồn tại của các cổ vật hay các biểu tượng văn hóa thật mong manh trước những xung đột và tham vọng của con người. Do luôn có giá trị về vật chất hoặc là chỗ dựa tinh thần nên các quí vật này luôn là mục đích đầu tiên để cướp bóc, triệt phá trong các cuộc giao tranh. Ở Việt Nam ta cũng vậy, mặc dù nghệ thuật phát triển rực rỡ nhưng cũng chinh chiến liên miên nên các di sản quí mang tính biểu tượng còn lại rất ít. Bức tượng A Di Đà bằng đá xanh trong chùa Phật tích là một bảo vật đã may mắn vượt qua được những biến động thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử, vẫn còn đó dưới mái chùa trên núi Lạn kha "giữ hồn dân tộc".
Với những giá trị đầy đủ về mặt tôn giáo, lịch sử và mỹ thuật như vậy, pho tượng Phật A Di Đà xứng đáng là một trong những Bảo vật đáng tự hào của người dân Việt Nam.
Chiều ngày 5/11/2016, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ - 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm “Giá trị bảo vật Quốc gia - tượng A Di Đà chùa Phật tích”. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến, quan điểm qua đó khẳng định và tôn vinh giá trị di sản dân tộc. Trước đó, ngày 3/11, trong triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”, “Pho tượng Phật hoàng gia” - bảo vật Quốc gia tượng A Di Đà cũng đã được trưng bày và giới thiệu tới công chúng với bản phục dựng hoàn chỉnh tỉ lệ nhỏ nhất. |
T.T (Tổng hợp: vr3d,ape.gov.vn,vanhien.vn)