• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tưởng con khỏi cúm, không ngờ gặp biến chứng viêm não

Sức khỏe 19/02/2019 09:37

(Tổ Quốc) - Theo thông tin từ khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi bị cúm mùa gặp biến chứng viêm não của năm nay tăng hơn nhiều so với những năm trước. Đây là loại biến chứng do vi rút rất hiếm gặp, nếu như những năm trước chỉ có 1 trường hợp thì đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 3 – 4 trường hợp biến chứng viêm não do vi rút cúm.

Gia tăng bệnh nhi biến chứng viêm não do vi rút cúm mùa

Ở thời điểm hiện tại, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho bệnh nhân N.L.N (2 tuổi) bị biến chứng viêm não do vi rút cúm mùa. Gia đình bệnh nhi cho biết, 3 ngày đầu mắc cúm bé bị sốt cao liên tục. Đến ngày thứ 4 bé hạ sốt, gia đình nghĩ con đã khỏi bệnh.Tre

Tưởng con khỏi cúm, không ngờ gặp biến chứng viêm não  - Ảnh 1.

Trẻ mắc cúm mùa đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương.

Thế nhưng, bé N. lại ngủ rất nhiều và không ăn uống. Thấy không ổn, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị biến chứng viêm não sau cúm mùa. Nhờ được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo và có thể ngồi dậy chơi được.

Một trường hợp tương tự bị biến chứng viêm não do cúm mùa được điều trị tại khoa Truyền nhiễm – BV Nhi Trung ương đó là bé N.V.L (4 tuổi, Hải Dương). Gia đình bé chia sẻ, bé L. có biểu hiện sốt cao trong nhiều ngày liền. Khi thấy trẻ có biểu hiện co giật, li bì, người nhà đưa đến BV thì cháu đã bị viêm não sau cúm.

Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, biến chứng viêm não sau khi sau khi mắc cúm ở năm nay xuất hiện với tấn suất nhiều hơn những năm trước. Biến chứng thường xuất hiện vào 2 – 3 ngày sau sốt cao, trẻ có giật, buồn nôn, ngủ nhiều...Ngoài khi, khi mắc cúm mùa cũng dễ gặp các biến chứng khác như viêm phổi hoặc bội nhiễm các vi khuẩn có sẵn trong hầu, họng của bệnh nhân.

Chú ý dinh dưỡng cho trẻ khi bị cúm mùa

Cũng theo Phó trưởng khoa Truyền nhiễm – BV Nhi Trung ương Đỗ Thiện Hải, vào mùa Xuân độ ẩm trong không khí rất cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt, bệnh thường dễ lây lan ở những nơi có đông người như cơ quan, nhà trẻ, chung cư. Nếu như bệnh hay gặp ở người lớn là cúm thì trẻ em lại có thêm sởi, quai bị. Thống kê từ khoa Truyền nhiễm, mỗi ngày có 3 – 15 bệnh nhân bị mắc cúm.   

Bs.Hải cho biết thêm, những người bị sốt do cúm mùa thường vào khoảng 39 – 40 độC. Khi các bệnh nhân sốt cao, nếu xử lý không tốt rất dễ xảy ra tình trạng co giật. Ngoài triệu chứng sốt, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, họng có thể bị viêm đỏ.

Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo, điều trị cúm cần lưu ý tới vấn đề sốt và chăm sóc đề phòng biến chứng. Người bệnh cần dùng thuốc hạ sốt 6 tiếng/lần, vệ sinh sạch sẽ miệng, mũi, họng và nếu trẻ em cần dùng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi. Đối với trẻ khi bị ốm và sốt thì nhu cầu dinh dưỡng phải tăng lên từ 10 – 30% để có thể phục hồi lại cơ thể.

Đặc biệt, các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà. Khi điều trị cần lưu ý trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ khó thở tăng, trẻ không chơi nên nhập viện. Một số trẻ có chỉ định nhập viện khi bị cúm trên nền viêm phổi, suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, việc dùng thuốc tamiful điều trị cúm phải dùng sớm tốt nhất trong 48 giờ đầu mới có tác dụng. Bởi, nếu sử dụng thuốc sau 48 giờ sẽ rất ít tác dụng.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ