• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tuồng Đà Nẵng chinh phục khách du lịch

31/08/2011 09:05

Chủ trương xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo, mà nòng cốt là nghệ thuật tuồng, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố đã góp phần quảng bá, phát triển nghệ thuật tuồng của Đà Nẵng.

Chủ trương xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo, mà nòng cốt là nghệ thuật tuồng, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố đã góp phần quảng bá, phát triển nghệ thuật tuồng của Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với PV.

Nằm ở giữa hai cái nôi của nghệ thuật tuồng là Bình Định và Huế, tuồng Đà Nẵng có nét riêng gì, thưa ông?

- Tuồng Đà Nẵng có một phong cách khá riêng, rất đặc trưng, khác tuồng Bình Định và tuồng Huế. Tuồng Huế vốn được thừa kế dòng tuồng cung đình trước kia, còn tuồng Bình Định là dòng tuồng hành động, tuồng võ, với dấu ấn đậm nét của nhà văn hóa lỗi lạc, danh nhân Đào Tấn. Tuồng Đà Nẵng do đó vừa được thừa hưởng những tinh hoa của dòng tuồng cung đình vừa có sự giao thoa với tuồng võ Bình Định. Các nhà chuyên môn nhận xét, Đà Nẵng đang sở hữu dòng tuồng văn, tức là thiên về hát và biểu diễn nội tâm. Khán giả Đà Nẵng hiện nay rất thích dạng tuồng này. Hiện nay ở Đà Nẵng khán giả xem tuồng vẫn còn khá đông. Số buổi biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hàng năm khoảng 80 - 90 buổi. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, khán giả xem tuồng cũng theo mùa, đông nhất là mùa lễ hội, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Dưới góc độ nhà quản lý, tôi đánh giá khán giả Đà Nẵng vẫn yêu tuồng.

Đà Nẵng là địa phương có du lịch khá phát triển. Ông có thể cho biết, việc kết hợp với du lịch trong biểu diễn phục du khách, nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố được thực hiện như thế nào?

- Theo sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng nhằm xây dựng thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến Đà Nẵng, chúng tôi đã xây dựng được một chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch và triển khai thực hiện từ tháng 5.2010. Hàng tuần chúng tôi diễn 2 buổi, vào thứ 4 và thứ 7. Chương trình gồm 3 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn cùng phối hợp biểu diễn. Về phần Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, do đặc thù diễn phục vụ du lịch thì không thể diễn dài nên chúng tôi phải chọn những trích đoạn ngắn, tiêu biểu, dễ hiểu, thiên về động tác hoặc dùng những trình thức biểu diễn tuồng, âm nhạc tuồng để hòa tấu, độc tấu thành những tiết mục độc đáo. Nhìn chung các chương trình đều được du khách đánh giá cao.

Qua hơn một năm thực hiện, theo ông, hiệu quả của việc phối hợp với du lịch có tác động như thế nào đến hoạt động nghệ thuật cũng như đời sống của cán bộ, diễn viên Nhà hát?

- Hiện số lượng khách đến xem các buổi diễn hàng tuần chưa được đông lắm, dao động khoảng 50 - 100 khách/buổi. Tuy chưa rõ nét nhưng hoạt động này bước đầu đã giải quyết được một số vấn đề như tổ chức được thường xuyên một hoạt động văn hóa, tại một tụ điểm hoạt động nghệ thuật, văn hóa. Dù du khách có đến xem hay chưa đến xem thì thành phố cũng đã có thêm được một sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, độc đáo của người Đà Nẵng. Anh em nghệ sỹ thì được diễn thường xuyên, thu nhập dẫu chưa cao nhưng cũng được cải thiện (trung bình 50.000 đồng/người/đêm). Ngoài ra, cũng chính nhờ những chương trình biểu diễn phục vụ du lịch theo chủ trương của thành phố mà nhiều công ty du lịch biết đến, mời chúng tôi biểu diễn trực tiếp tại các khách sạn lớn, resort... Và, những hợp đồng như thế đem lại thu nhập cho anh chị em nghệ sỹ bằng 4 - 5 lần so với khi biểu diễn thông thường. Hoạt động này ưu điểm là quảng bá được nét độc đáo của nghệ thuật truyền thống địa phương tới du khách mà có thể vì thời gian hạn hẹp khó kéo được họ đến Nhà hát.

Nghệ thuật truyền thống thường khó khăn trong tuyển chọn đội ngũ kế cận, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có vướng phải thực trạng này không?

- Hiện Nhà hát có khoảng 60 lao động, riêng diễn viên trong các đoàn biểu diễn là 45 người. Tuổi trung bình của diễn viên cũng khá cao, khoảng 45 tuổi, trong khi các nghệ sỹ lớn tuổi chuẩn bị nghỉ chế độ cũng nhiều. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã rất quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ kế cận. Chúng tôi đã phối hợp với trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng và Đại học Sân khấu điện ảnh Việt Nam đào tạo được một lớp cao đẳng với 11 em, trong đó có nhiều em là người địa phương, để bổ sung vào lực lượng biểu diễn của nhà hát. Tuy nhiên, dù học hệ cao đẳng nhưng để các em trở thành diễn viên thực thụ, gánh vác được công việc thì cũng cần phải có thời gian. Năm tới chúng tôi chủ trương đào tạo tiếp một lớp nữa, bởi sân khấu bao giờ cũng thế, kể cả sân khấu truyền thống, khán giả luôn đòi hỏi sự mới mẻ và tươi trẻ.

Xin cám ơn ông!

 

Theo ĐBND

NỔI BẬT TRANG CHỦ