(Tổ Quốc) - Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Tướng Thước đã bày tỏ sự cảm phục đối với quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói: “Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Sức mạnh của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân.
- 27.04.2017 Danh sách cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị đề nghị kỷ luật
- 27.04.2017 Những lý do khiến ông Đinh La Thăng bị Ủy ban kiểm tra T.Ư đề nghị kỷ luật
- 05.05.2017 Khai mạc Hội nghị Trung ương 5
- 05.05.2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt
- 05.05.2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đánh giá kỹ lưỡng ưu, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- 05.05.2017 Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- 07.05.2017 Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII
Trong bối cảnh dư luận đang rất quan tâm về những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện quyết liệt trong thời gian qua, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VI, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X xoay quanh vấn đề này.
Lần đầu tiên, kết luận của UB Kiểm tra TƯ Đảng được công khai trước xã hội
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: "Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân". (Ảnh: Hà Giang) |
Vừa qua, sau 3 ngày họp (24-26/4), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật với Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 -2015 cùng một số cá nhân liên quan.
Theo đó, cơ quan kiểm tra kết luận Ban thường vụ Đảng uỷ PVN giai đoạn nêu trên và một số cá nhân liên quan, trong đó có ông Đinh La Thăng (Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN) có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.
Từ kết luận này, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng. Theo thông cáo mới nhất của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 7/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường đã xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ. Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã tạo ra một bước ngoặt trong công tác xây dựng Đảng, mục tiêu là để bảo đảm lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân, để đảm bảo cho sự trong sạch của Đảng.
Theo vị Trung Tướng này, nhìn lại, sự thoái hoá của một số cán bộ Đảng viên không chỉ trong nhiệm kỳ khoá XI, khoá XII mà là khởi nguồn từ khoá VIII, khoá IX.
Tại khoá VIII, khi có Nghị quyết Trung ương 6 (1) về kinh tế - xã hội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thấy được vấn đề và ra Nghị quyết Trung ương 6 (2) chống tiêu cực, tham nhũng. Sau đó Nghị quyết triển khai có thời kỳ đã đạt được kết quả nhất định.
“Tuy nhiên, đến giữa khoá IX, lại bỏ Ban chỉ đạo Trung ương 6 (2) – Ban chỉ đạo mà trực tiếp Tổng Bí thư nắm quyền để xây dựng Đảng. Khi đó, tôi nghĩ nguy cơ rồi! Sự việc đang nhen nhóm như vậy lại bỏ đi! Bỏ cả một tổ chức trực tiếp chỉ đạo vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng”, tướng Thước nói.
Vì thế, theo vị tướng này, những sự việc vừa được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố đều bắt nguồn từ những sai phạm từ khoá IX, khoá X, sang khoá XI. Giữa khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy nguy cơ không có một Nghị quyết chuyên đề mạnh mẽ nên mới ra Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.
“Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đạt như mong muốn, chưa quyết liệt. Cần phải có “phương thuốc” mạnh mẽ hơn. Tôi từng phát biểu: “Bệnh nan y, ung thư mà đưa dầu Cù là ra chữa thì làm sao khỏi? Phải xạ trị, phải phẫu thuật. Vì thế, tại khoá XII, Trung ương thấy rằng, kết quả bước đầu đã tạo ra một tiền đề để tích cực, nhưng phải làm mạnh hơn nữa và sau đó tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII là kế thừa của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, nhưng đã tạo ra “phương thuốc” mẽ hơn để có thể đối phó với “căn bệnh” mà như Tổng Bí thư nói “uy hiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, uy hiếp đến xã hội chủ nghĩa. Vì thế, Đảng không còn cách nào khác ngoài bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan Đảng đã thực hiện khá tích cực. Từ những nỗ lực đó, vừa qua đã công bố một số vụ việc thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương”, Tướng Thước nhận định.
Chia sẻ quan điểm đối với việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố rộng rãi về những thất thoát của PVN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, điều này cho thấy, Đảng quyết tâm chính trị làm trong sạch bộ máy, thải ra những “ung nhọt”. Những thất thoát của PVN là một tổn thất quá nặng nề về kinh tế đối với đất nước. Và tất nhiên, ai sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trước Đảng.
Theo tiền lệ, các trường hợp như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố phải kỷ luật trong Đảng rồi mới công khai ra công chúng.
Vì thế, trước câu hỏi của phóng viên về việc “’công bố dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật với Ban thường vụ Đảng ủy PVN, giai đoạn 2009 -2015 cùng một số cá nhân liên quan trước khi kỷ luật trong Đảng” – liệu có đúng không ? – Tướng Thước nói rằng, việc trong Đảng cũng là việc của dân. Mọi việc trong Đảng đều liên quan đến lợi ích của dân.
Việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lần đầu tiên công khai sự việc ra công chúng trước khi kỷ luật trong Đảng như vừa qua đã cho thấy tính công khai dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng.
“Đảng phục vụ lợi ích của dân, vì thế những việc phục vụ lợi ích cho dân, hại đến dân thì Đảng cho dân biết để dân có ý kiến đóng góp! Tính dân chủ công khai ngày càng được mở rộng thì vai trò của Đảng sẽ được tăng thêm”, vị Tướng này nói.
Xa hơn nữa, trong câu chuyện này, Tướng Thước cho rằng, PVN đã làm thất thoát một số tiền quá lớn, gây mất mát cho nền kinh tế, cho nhân dân. Vậy mà sự việc phải mất hơn nửa năm mới đi đến kết luận. Điều này cho thấy sự yếu kém của các cơ quan quản lý của Đảng, Chính phủ.
“Nếu các cơ quan chức năng giám sát mạnh mẽ hơn thì chắc chắn bộ máy của PVN không thể lộng hành như vậy được. Nguyên nhân kéo dài thời gian điều tra vụ việc có thể là do biết nhưng né tránh vì nể nang. Ngoài ra, nếu vấn đề này có liên quan đến các cơ quan tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra, nội chính thì cực kỳ nguy hiểm.
Các cơ quan liên quan phải trả lời trước Đảng, trước dân về việc tại sao sự việc lại kéo dài như vậy?”, Tướng Thước đặt câu hỏi.
Cảm phục đối với quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nói về những giải pháp chống tham nhũng sắp tới, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, quan trọng nhất là phải phòng, để xảy sự việc xảy ra hàng chục năm rồi mới xử lý là hạ sách.
Theo ông, để ngăn chặn sự thoái hoá của một số bộ phận cán bộ đảng viên thì chức năng giám sát là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, đối với bộ máy chuyên trách về quản lý, phải chọn lựa những người tiêu biểu, vì Đảng vì dân. Đặc biệt, quá trình công tác phải của họ phải được theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra...
“Tôi cho rằng, chức năng bộ máy tham mưu của Đảng để giữ vững cho đội ngũ cán bộ trong sạch có trách nhiệm rất lớn lao.
Nếu sai lầm trên phạm vi một tổ chức nào đó thì cơ quan tham mưu của Đảng, của Nhà nước ở cấp đó phải chịu trách nhiệm một phần lớn...Trong nội bộ thì phải công khai, minh bạch, mọi hoạt động phải vì lợi ích của dân, của Tổ quốc, trừ bí mật quốc gia”, ông chia sẻ.
Đặc biệt, trong trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Tướng Thước đã bày tỏ sự cảm phục đối với quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói: “Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Sức mạnh của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Yêu cầu Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Yêu cầu Đảng phải đưa ra những sai lầm để làm cho Đảng trong sạch, từ đó lấy lại lòng tin của dân, của Đảng viên đối với cơ quan lãnh đạo”.
Phải hành động để Đảng trở lại là Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Người cầm cờ là như vậy! Tổng Bí thư đã chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm được những việc mà trước đây chưa làm được. Điều này cho thấy Tổng Bí thư đã lắng nghe dân, lắng nghe Đảng... từ đó phát động phong trào trực tiếp với Ban Chỉ đạo chống tham nhũng để đưa ra được vấn đề như vừa qua”, Tướng Thước chia sẻ thêm./.
Hà Giang