• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tường trình vùng hạn mặn: Đất sụp, đồng khô, người khát

Thời sự 28/04/2020 16:44

(Tổ Quốc) - Bên kia con lộ nứt sụp từng đoạn, nước mênh mông đầy ắp kênh mương nhưng mặn chát đến con tôm còn khó sống. Bên này, cánh đồng khô khốc.

Kỳ 1:

Miền Tây khô khát

Bán đảo Cà Mau. Ấp 2 xã Trần Hợi nằm cách trung tâm huyện Trần Văn Thời không xa. Rạng sáng ngày 22/3, một đoạn lộ giao thông dài 50m, ngang 6m trên tuyến đường Co Xáng – Cơi Năm bất ngờ đổ sụp, tạo thành hố sâu 3m.

Vào các ngày 18 và 15/3, tuyến lộ giao thông từ xã Khánh Bình Tây nối đường về trung tâm xã Khánh Bình Tây Bắc và tuyến giao thông Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, cũng thuộc huyện này, sụp lún hàng chục mét. Một số vùng dân cư gần như bị cô lập hoàn toàn.

Khu vực Ấp 1 xã Trần Hợi, một đoạn lộ hơn 20m đã nứt toác, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào xuống dòng kênh trơ đáy nứt nẻ. Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, một biển cấm xe ô tô đã được dựng lên phía trước một đoạn đường bị sụp gần hết nửa bề ngang con lộ.

Với cả ngàn điểm sụp lún như vậy, mạng lưới giao thông đường bộ bán đảo Cà Mau như một cơ thể mang đầy thương tích.

Tường trình vùng hạn mặn: Đất sụp, đồng khô, người khát - Ảnh 2.

Sạt lở tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (Cà Mau).

Dọc theo những con đường nứt nẻ tỏa về các xã vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh, hay vùng ngọt hóa Long Phú – Tiếp Nhựt, Nam Tà Liêm – Ba Rinh (Sóc Trăng), mọi dòng kênh đều trơ đáy. Những cánh đồng khô khốc đến giờ vẫn chưa thể cày ải chuẩn bị cho vụ lúa tới.

Đợt hạn mặn lần này làm hơn 12.500ha lúa của Cà Mau bị thiệt hại trên 70% và 5.500ha thiệt hại từ 30-70%. Phần diện tích bị ảnh hưởng này chiếm khoảng 15% tổng diện tích lúa của tỉnh.

Các tỉnh thuộc khu vực Bán đảo Cà Mau như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đều có tới chục ngàn ha lúa bị hạn mặn tấn công. 5000ha tôm ở Bạc Liêu và hàng ngàn ha ở Kiên Giang thiệt hại nặng do mặn tăng cao bất thường và nắng nóng.

Kỳ tích ngọt hóa và nỗi "sợ mặn" của người dân xứ mặn

Có một sự trùng hợp: Hầu hết thiệt hại trong đợt hạn mặn lần này đều rơi vào những vùng "ngọt hóa" ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau là một kỳ tích, bởi đã giúp các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang thau chua rửa mặn hàng trăm nghìn ha đất, tăng sản lượng lúa gấp 2-3 lần. Nhưng mấy năm gần đây, trước những biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, các vùng "ngọt hóa" bắt đầu gặp nhiều khó khan.

10 xã vùng ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời chủ yếu sử dụng nước trời, chứ không có nguồn nước ngọt nào khác để bổ sung. Năm nào lượng mưa ít hay mưa dứt sớm, tình trạng thiếu nước ngọt rất dễ xảy ra. Những lão nông vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau chẳng ai lạ gì cảnh sau Tết là mặn chát.

"Vùng này là vốn là vùng mặn mà, nên từ xưa đến giờ cứ hễ chướng (gió Đông Bắc) về là mặn lên đâu có gì là lạ" – Ngó xuống con kênh khô cạn như chưa từng bao giờ có nước ở đó, ông Lý Văn Chí ở xã Khánh Bình Tây nói. Hạn mặn ở đây là lẽ thường.

Nhưng kỳ lạ là ông già 68 tuổi vốn sống lâu đời với "xứ mặn", giờ đây mỗi khi mặn về lại có cảm giác lo sợ: "Tui đây vốn sống từ thời mặn chát mà đến giờ thấy mặn cũng lo lo, sợ sợ vì mọi thứ từ sinh hoạt đến sản xuất đều quen với ngọt hết rồi".

Tường trình vùng hạn mặn: Đất sụp, đồng khô, người khát - Ảnh 5.

Đồng Ngã Năm (Sóc Trăng) mùa hạn.

Cùng cảnh ngộ quen ngọt, sợ mặn, ông Thạch Quên, ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), kể: "Từ khi ngọt hóa, vùng này bắt đầu nâng lên 2 vụ lúa, có người còn làm thêm được 1 vụ màu nữa. Nhưng thỉnh thoảng lại có năm mặn đột ngột về sớm và lên cao, nhiều người chủ quan cứ xuống giống như mọi năm, trở tay không kịp".

Năm nào mưa nhiều và dứt muộn, sau khi thu hoạch lúa xong, dân xã Khánh Bình Tây thường tận dụng nguồn nước còn lại trên kênh tranh thủ trồng lại vụ đậu xanh, bí rợ hay dưa gang… kiếm thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Em nói: "Mùa khô ở đây trồng đậu xanh trúng lắm. Tôi còn nhớ trong đợt hạn mặn năm 2016, nhờ còn đủ nước, nên ai trồng đậu xanh cũng trúng và bán được giá 30 – 35 ngàn đồng/kg, tính ra lời còn hơn vụ lúa nữa".

Bởi vậy, cứ hễ mặn về là dân thấy sợ, vì năm nào mặn sớm coi như ở không, mất thu nhập vụ màu. Như năm nay, họ phải "ở không" trong suốt mùa khô.

Mời độc giả đọc tiếp kỳ 2 tại đây.

Xuân Trường – Phương Quang

NỔI BẬT TRANG CHỦ