(Tổ Quốc) - Nếu vượt lên thói quen lấy cây lúa làm chủ lực, Bán đảo Cà Mau không chỉ "nương" theo hạn mặn để tồn tại, mà còn tận dụng cơ hội kiếm tiền nhiều hơn vụ lúa.
Kỳ 2:
"Sống khỏe, có sao đâu"
Từ đầu năm tới giờ, mọi con kênh ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng nhiễm mặn nặng như bất cứ nơi nào trong vùng. Như các lão nông miền Tây, ông Sáu Nám có cách nghe gió biết thời tiết. Dù mấy bữa nay nhiều mây, nhưng ngước nhìn trời, nghe tiếng gió, ông nói chắc nịch: "Chưa mưa đâu! Ít gì cũng phải đến giữa tháng 4 mới có vài cơn mưa, vì đến giờ chướng vẫn còn và chưa thấy tăm hơi gì của gió mùa Tây Nam hết".
Nhưng ông lão Chủ nhiệm HTX Bưởi da xanh Kế Thành vẫn bình thản, dường như hạn mặn chẳng ảnh hưởng gì đến ông. Ngồi trong nhà nhìn ra vườn bưởi xanh tốt, lắng nghe tiếng gió lao xao, ông Nám giải thích: "Đó! Hơi chướng nhẹ như vầy là bảo đảm khi triều bắt đầu xuống có thể canh con nước ngọt lấy vô được rồi đó.
Nói là ngọt chứ thật ra độ mặn cũng khoảng dưới 2 phần ngàn mà nông dân thường gọi là nước pha chè, nhưng như vậy là đủ để cho cây bưởi sống qua hạn mặn rồi".
- Ông Sáu Nám bên vườn bưởi.
Ông Phạm Hồng Văn (Hai Văn), ở xã An Thạnh III, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) còn thản nhiên hơn nữa: "Tôi sống ở đây đã hơn 60 năm rồi, chứng kiến không biết bao sự thay đổi của thiên nhiên, nhưng vẫn sống khỏe có sao đâu!
Như hạn mặn năm nay được xem là gay gắt nhất, các nơi đều kêu khó, nhưng người dân vùng này bị mặn bao vây tứ bề lại không có nước ngọt khi triều thấp, mà cuộc sống vẫn diễn ra bình thường".
Ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cái xứ vừa có sông vừa có biển này, nếu không hiểu nắng mưa, mặn ngọt; không hiểu cây, hiểu đất thì không thể nào sống ung dung như ông Hai Văn được. Nơi đây khác với vùng đất đồng, mùa khô rễ cây ăn sâu xuống để tìm nước. Chỉ cần mặn vô cách mặt liếp 5 tấc thôi là cây chết hết. Nông dân ở đây truyền đời chỉ làm một vụ lúa mùa, đến khi thu hoạch xong cũng vừa lúc mặn lên.
Kể đến đây, Hai Văn cười khà khà: "Bởi vậy mới có câu "Ra Giêng anh cưới em", vì sau tháng Giêng là có lúa (tức có tiền) lại rảnh rỗi, nên cưới vợ, gả chồng khỏe re".
Dù trời có mưa vài đám, nhưng nhìn lá cây mắm chưa đỏ, các lão nông như Hai Văn, Sáu Nám biết đó chỉ là mưa "dằn mả" chứ chưa có mưa "già", ai không biết mà ngâm giống sớm là thua. Nhìn lá lục bình ở đầu cống mà xào (héo, hơi rũ xuống) là bị mặn, đừng lấy nước vô ruộng.
Vượt khỏi tư duy "cây lúa"
Từ sau 1975, Hai Văn và một số hộ đã làm bờ bao ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, sản xuất 1 lúa 1 màu. "Nhưng thời tiết, khí hậu, thị trường đâu có thuận theo mình hoài đâu. Những nông dân cố cựu như tôi cũng phải thay đổi, không làm lúa nữa mà chuyển sang trồng mía, trồng màu, rồi nuôi tôm nước lợ hay trồng cây ăn trái, nhãn Ido… để thích nghi, có cái mà sống" – ông Hai Văn nói.
Đứng giữa vườn nhãn Ido đang cho trái sum xuê giữa bốn bề khô hạn, Hai Văn cho biết: "Sau khi từ bỏ cây mía vì hiệu quả không còn cao, tôi chuyển sang trồng nhãn Ido được 4 năm. Bây giờ đang là mùa nghịch mà nó vẫn cho trái là nhờ có hệ thống tưới phun sử dụng nguồn nước giếng khoan. Còn kế bên cũng đang tưới phun xè xè là đám rẫy trồng khoai môn. Mùa hạn này phải sử dụng tưới phun mới có đủ nước cho cây trồng đến khi vào mùa mưa".
- Những con mương cạn ở Cà Mau.
Khi mặn bắt đầu lên, tất cả các cống đều đóng lại hết để ngăn mặn. Sau khoảng 1 tháng là tất cả các con kênh nội đồng đều đã cạn nước, nên việc tưới tiêu chỉ dựa vào nước ngầm. Dùng nước ngầm cũng phải có bí quyết. Hai Văn kể: "Nước ngầm ở đây thường có phèn và một số tạp chất, nên ai cũng bơm nước giếng vào một cái hố có lót bạt để khử phèn và một số chất độc hại khác rồi mới tưới cho cây".
Ngon lành nhất là mô hình "nắng giữ vuông, mưa trồng lúa" theo kiểu truyền thống mà anh Dương Văn Hùng (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) duy trì hơn 20 năm nay. Khu đất của anh có 4 vuông (đầm) vây quanh một trảng đất ở giữa. Mùa mưa, trảng đất đó anh làm lúa đặc sản ST bán được giá cao, vừa có bãi cho tôm - cá tự nhiên lên nghỉ ngơi, tìm kiếm thức ăn. Mùa khô, đều đặn mỗi tháng anh xổ vuông 2 đợt tôm thẻ. Tính ra năm nào anh cũng cầm chắc hơn 300 triệu đồng, hạn mặn hay không cũng vậy.
Theo chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện, hạn mặn không chỉ là thảm họa, mà cũng là cơ hội nếu có mô hình thích ứng hiệu quả. Không ít nông dân vùng hạn mặn đã thành công nhờ chủ động kết hợp tôm – lúa, hay bỏ 1 vụ lúa để chuyển sang 1 vụ màu, trồng bắp (ngô) sinh khối trong mùa khô để bán lại cho các trang trại nuôi bò làm thức ăn chăn nuôi… Nếu giữ mãi tư duy cây lúa, khi khí hậu biến đổi cực đoan hơn nữa, những khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt của cư dân vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau sẽ còn tái diễn và trầm trọng hơn.