“Tuồng xuống phố” ở Đà Nẵng thu hút du khách
(Tổ Quốc) - Những tiết mục nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng trong chương trình "Tuồng xuống phố" diễn ra bên bờ sông Hàn đã mang đến cho người dân, du khách những phút giây thư giãn giá trị.
Chương trình "Tuồng xuống phố" do Sở Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức, nhằm nối tiếp và lan tỏa nghệ thuật truyền thống, góp phần tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng xứ Quảng. Đồng thời góp phần đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng, làm phong phú thêm các điểm đến du lịch, thu hút du khách đến với Đà Nẵng.
Những màn biểu diễn nghệ thuật Tuồng đặc sắc, dí dỏm pha lẫn sự gần gũi gắn liền đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, diễn ra tại công viên phía bắc, bờ đông cầu Sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) vào 19h30 tối chủ nhật hằng tuần, sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2023 và có bố trí ghế ngồi phục vụ miễn phí tất cả công chúng.
Trung bình mỗi đêm diễn có hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn với khoảng 10 tiết mục đặc sắc, bao gồm các trích đoạn Tuồng tiêu biểu như: "Bến nước tình yêu", "Những cô gái Việt Nam", "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Ngọn tiểu kỳ"…; độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc; các điệu múa dân gian các dân tộc; múa Chăm,...
Theo ghi nhận của phóng viên, tối 27/8, chương trình "Tuồng xuống phố" đã thu hút được đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, trong đó có nhiều bạn trẻ. Trong khoảng gần 2 tiếng tại sân khấu ngoài trời bên bờ sông Hàn thơ mộng, các tiết mục hoà tấu nhạc cụ dân tộc và những điệu múa dân tộc đã tạo nên một không gian âm nhạc đầy cuốn hút. Tiếng đàn nhị, tiếng sáo, đàn tranh, đàn tam và tiếng trống,... đã hòa quyện với nhau, tạo nên những cung bậc âm thanh đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, người dân và du khách cũng được thưởng thức các trích đoạn nghệ thuật Tuồng hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam và vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Mỗi đêm biểu diễn, các nghệ sĩ luôn cố gắng mang đến cho khán giả những tiết mục ấn tượng nhất, cùng trải nghiệm thú vị trong chương trình "Tuồng xuống phố". Việc đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật Tuồng truyền thống đến gần hơn với người dân và du khách thể hiện minh chứng sinh động về Đà Nẵng - một thành phố trẻ năng động, nhưng cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Lần đầu tiên xem Tuồng bên sông Hàn, chị Lê Thu Hương (du khách Nghệ An) thích thú chia sẻ: "Đang cùng gia đình dạo phố Đà Nẵng thì thôi thấy có chương trình Tuồng nên ghé vào xem. Tôi rất thích xem những chương trình nghệ thuật truyền thống như thế này vì thấy hay và còn giúp cho những người trẻ như tôi có cơ hội để khám phá và trải nghiệm những dạng biểu diễn đặc sắc kiểu ngày xưa như thế này".
Được biết, Tuồng (còn gọi là hát bội hay hát bộ) là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Tại Đà Nẵng, Tuồng là một thể loại nghệ thuật hình thành khá sớm. Tuồng ở Đà Nẵng cũng nằm trong tổng thể Tuồng Việt Nam, nhưng lại mang những dấu ấn riêng, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Chính nhờ nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Tuồng của nhiều thế hệ người Đà Nẵng nói chung và của nhiều thế hệ nghệ sĩ Tuồng ở Đà Nẵng nói riêng mà tháng 6/2015, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chính quyền Đà Nẵng đã đầu tư "đưa tuồng xuống phố" cũng như đưa tuồng vào trường phổ thông…
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Sở Du lịch đã phối hợp triển khai quảng bá, giới thiệu chương trình "Tuồng xuống phố", cụ thể: thông tin và giới thiệu chương trình đến các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú để cung cấp thông tin cho du khách trong nước và quốc tế. Giới thiệu, quảng bá chương trình trên các kênh truyền thông trực tuyến (Cổng thông tin du lịch; Fanpage du lịch; Instagram…) và các ấn phẩm du lịch.