(Tổ Quốc) - Việc nhận được kỳ vọng quá lớn đôi khi lại trở thành áp lực đối với các cầu thủ Việt kiều. Không dễ để họ có thể vượt qua những áp lực đó hòng đạt được thành công.
Những ngày qua, chủ đề về cầu thủ Việt kiều lại một lần nữa nhận được sự chú ý từ dư luận. Nguyên nhân xuất phát từ việc Tổng thư ký Lê Hoài Anh trong phát biểu mới nhất cho biết VFF đang lên kế hoạch bổ sung cầu thủ gốc Việt cho ĐT Việt Nam nhằm hướng tới 3 trận đấu còn lại của bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Chưa biết VFF và HLV Park Hang-seo sẽ chọn ai, nhưng có một thực tế rằng trong làn sóng trở về Việt Nam tìm cơ hội thi đấu của các cầu thủ Việt kiều nhiều năm vừa qua, chỉ có Đặng Văn Lâm là cái tên hiếm hoi thực sự thành công. Số còn lại, dù ít nhiều gây được sự chú ý nhưng đều không dễ để hòa nhập trong một môi trường hoàn toàn mới, với rất nhiều khác biệt từ lối chơi, văn hóa đến cả chuyện ăn uống, thời tiết.
Tuy nhiên có một sự thật có thể dễ dàng nhìn ra, đó là việc dư luận dường như luôn đặt kỳ vọng rất lớn, thậm chí trên mức cần thiết vào các cầu thủ Việt kiều khi họ về nước thi đấu. Trong số những cầu thủ Việt kiều hiện đang chơi bóng ở Việt Nam, Martin Lo có lẽ là người cảm nhận rõ nhất điều này.
Nếu kịp hoàn tất việc nhập quốc tịch, Filip nhiều khả năng sẽ được HLV Park Hang-seo triệu tập.
Cách đây ít ngày, trong bài trả lời phỏng vấn trên VNExpress, tiền vệ đang khoác áo Hải Phòng đã chia sẻ hành trình từ Australia trở về Việt Nam chơi bóng với nhiều gian nan, trắc trở. Thậm chí khi lần đầu tiên nhận được lời gợi ý về Việt Nam chơi bóng, Martin Lo đã thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên cuối cùng, một "giấc mơ" mang tên Lee Nguyễn đã thay đổi tất cả.
"Một người đại diện quốc tịch Australia sống ở Việt Nam đã liên lạc với tôi từ trước đó. Nhưng khi ông ấy bảo tôi về Việt Nam thử sức, tôi lại từ chối. Lúc đó, tôi chỉ có thể tin vào bản thân và lời khuyên của Tony - anh trai kế, hơn tôi một tuổi và là người có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời tôi.
Tony sang Mỹ học và biết tới tiền vệ Lee Nguyễn. Anh ấy kể rằng ở trường đại học, khi biết anh là người Việt Nam, ai cũng hỏi "Mày biết Lee Nguyễn không?", rồi họ kể cho Tony những câu chuyện về Lee Nguyễn. Anh trai từng nói với tôi rằng nếu có thể hãy về Việt Nam, hoàn thành giấc mơ của anh và chứng tỏ rằng mình có thể tồn tại ở đây", Martin Lo nhớ lại.
Rõ ràng trong câu chuyện của Martin Lo, Lee Nguyễn đã trở thành một nguồn cảm hứng rất lớn, thôi thúc tiền vệ này trở về Việt Nam để tìm cơ hội cho bản thân mình.
Nhưng trớ trêu thay, những gì Martin Lo đang gặp phải vô tình lại rất giống Lee Nguyễn của hơn 10 năm về trước: được kỳ vọng quá nhiều, dù việc thích nghi là không hề dễ dàng.
Martin Lo từng được dư luận kỳ vọng có thể thay thế vị trí của Quang Hải ở U22 Việt Nam, nhưng trớ trêu thay đó lại chính là điều anh cảm thấy không thích.
Còn nhớ khi Lee Nguyễn đến Việt Nam vào năm 2009, anh được HAGL đãi ngộ với mức lương cao nhất V.League thời điểm đó (khoảng 10.000 USD/tháng sau thuế). Thậm chí trong buổi lễ ra mắt hoành tráng dành cho Lee Nguyễn, bầu Đức không giấu tham vọng đưa HAGL trở lại với ngôi vương khi tuyên bố: "Tôi khẳng định 98% HAGL sẽ vô địch V.League 2009".
Tiếc rằng những kỳ vọng đó cuối cùng đã không trở thành sự thật. Kết thúc mùa giải năm đó, HAGL chỉ đứng thứ 6 chung cuộc. Lee Nguyễn dù có được 9 bàn thắng và 12 kiến tạo ở V.League 2009 nhưng những bất đồng với tân HLV Kiatisuk ở đầu mùa 2010 đã khiến anh phải ra đi.
Rời HAGL, Lee Nguyễn khăn gói tới Bình Dương nhưng rồi cũng không để lại được nhiều dấu ấn và đành phải trở về Mỹ. Nhưng trớ trêu thay, đây lại là quyết định sáng suốt của tiền vệ này khi anh tỏa sáng rực rỡ ở giải Nhà nghề Mỹ trong nhiều mùa giải sau đó.
Việc bị HLV Kiatisuk đẩy lên ghế dự bị ở đầu mùa giải 2010 khiến Lee Nguyễn không hài lòng. Anh phản ứng bằng cách từ chối yêu cầu khởi động để vào sân thay người từ HLV Kiatisuk và cuối cùng phải rời HAGL.
Còn với câu chuyện của Martin Lo, ngay từ những ngày đầu về Việt Nam và chơi cho Phố Hiến ở giải hạng Nhất 2019, cầu thủ sinh năm 1997 đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ truyền thông và dư luận. Việc Martin Lo từng được gọi lên đội U20 Australia càng khiến anh được kỳ vọng nhiều hơn.
Tuy nhiên việc bị loại khỏi danh sách U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30, rồi sau đó gặp nhiều khó khăn khi về chơi cho Hải Phòng ở V.League 2020 khiến Martin Lo liên tục bị đặt dấu hỏi về năng lực. Dư luận bắt đầu chú ý nhiều đến việc Martin Lo không còn được xếp đá chính ở Hải Phòng, thậm chí đưa ra không ít bình luận ác ý khi cho rằng tài năng của tiền vệ này bị thổi phổng lên quá mức.
Trong những lời tâm sự mới đây của mình, chính bản thân Martin Lo đã thẳng thắn nói lên vấn đề mà anh cũng như những Việt kiều gặp phải khi trở về Việt Nam thi đấu, đó là việc phải nhận những kỳ vọng quá lớn.
"Tôi còn phải cố gắng nhiều trong nghề nghiệp và tự tôi biết mình là ai, mình ở đâu. Người ta đâu biết tôi là ai, sống thế nào? Và tại sao họ lại kỳ vọng tôi sẽ trở thành một ai đó trong thời gian ngắn như thế, khi chính tôi còn chưa ảo tưởng mình là ngôi sao hay một cầu thủ kinh khủng nào?
Tôi biết có những cầu thủ rất hay, rất giỏi chuyên môn nhưng không được truyền thông để ý. Vì thế, tôi mong rằng mọi người đừng áp đặt quan điểm và bắt tôi trở thành một ai đấy. Tôi chỉ là tôi, một người có hoài bão, khát khao và đang bước vào những năm đầu tiên của bóng đá đỉnh cao. Tôi còn phải học hỏi nhiều điều", Martin Lo nói với VNExpress.
Martin Lo (số 26) bị nhắc tên khá nhiều mỗi khi Hải Phòng có kết quả không tốt. Trong khi đó, trợ lý HLV Lê Quốc Vượng từng thẳng thắn nhận xét: "Martin Lo có một ưu thế đó là khả năng cầm bóng tốt nhờ kỹ thuật cơ bản rất tốt. Nhưng tại sân chơi V-League hiện tại, may ra chỉ có hai đội hợp cách chơi cầm bóng như Martin Lo đó là HAGL và CLB Hà Nội. Với Hải Phòng, để bắt các cầu thủ phải chuyền bóng ngắn thì chúng tôi không làm được".
Rõ ràng, việc VFF và HLV Park Hang-seo mở rộng cánh cửa với những cầu thủ Việt kiều có năng lực, có khao khát cống hiến cho đội tuyển là điều hợp lý. Và những trường hợp như thủ môn Filip Nguyễn nếu được có lẽ cũng sẽ chỉ khoác áo ĐT Việt Nam, chứ khó có chuyện về V.League chơi bóng.
Tuy nhiên câu chuyện hòa nhập của các cầu thủ Việt kiều như đã nói vốn không phải là điều đơn giản, dù đó là môi trường đội tuyển hay câu lạc bộ ở V.League. Bởi thế, trước tiên hãy để cho các cầu thủ gốc Việt có cơ hội để thể hiện mình và dư luận đừng vội đặt quá nhiều kỳ vọng thành tích lên vai họ. Đơn giản, mọi thứ hãy để thời gian trả lời!