(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đề cập tới "gian lận" kể cả khi phiếu đang được đếm - tuy nhiên đây chỉ là một phần trong chiến lược đã được xây dựng trong nhiều tháng qua.
Đêm ngày 3/11 tại Connecticut, Candy, một người phụ nữ 49 tuổi, lên giường ngủ sau ca làm việc ban đêm.
Cô mở điện thoại của mình và lướt qua các tin tức trên mạng xã hội như mọi đêm khác. Nhưng đêm hôm nay lại có chút khác biệt - đêm bầu cử. Kết quả vẫn chưa được định đoạt. Candy lướt tiếp và đợi ứng cử viên ưa thích của mình là Donald Trump lên tiếng phát biểu. Và tầm 1h sáng, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta đang dẫn trước RẤT NHIỀU, nhưng họ đang tìm cách ĐÁNH CẮP cuộc bầu cử. Chúng ta sẽ không để họ làm vậy. Phiếu không thể được tính sau khi các điểm bầu cử đã đóng hòm phiếu!"
Candy đồng ý với việc này. Cô cảm thấy bực bội và muốn làm điều gì đó. Khi bạn thân mời cô tham gia nhóm Facebook có tên Stop the Steal (Ngừng đánh cắp bầu cử), cô ngay lập tức tham gia.
Candy đã đợi điều này từ lâu. Nhiều tháng qua, các cụm từ "bầu cử gian lận" và "người bỏ phiếu giả mạo" đã xuất hiện liên tục trên bảng tin của cô. Và Candy cũng không phải là người Mỹ duy nhất tiếp tục với tin giả về bầu cử trong nhiều tháng trước khi đến ngày bỏ phiếu.
Các dòng Tweet
Nghiên cứu từ BBC cho thấy các thông tin về gian lận bầu cử đã được đăng tải liên tục, trong nhiều tháng, và từ những tài khoản cấp cao nhất.
Ông Trump đã đăng tin này lần đầu từ hồi tháng 4: "Hãy loại bỏ việc bỏ phiếu qua thư, có rất nhiều phiếu gian lận. Nước Mỹ phải có thông tin của người bỏ phiếu, đây là cách duy nhất để có số phiếu bầu trung thực!"
Từ đó tới nay, ông Trump đã nhắc tới "gian lận bầu cử" hơn 70 lần.
Candy chụp cùng hình in ông Trump. Ảnh: BBC
Ví dụ, vào tháng 6, ông Trump viết: "Hàng triệu phiếu bầu qua thư sẽ được in bởi nước ngoài, và những tổ chức khác. Đây sẽ là vụ bê bối lịch sử!"
Hay vào tháng 8: "Đảng Dân chủ đang yêu cầu bỏ phiếu qua thư bởi vì tỉ lệ ủng hộ Joe Biden đang thấp nhất lịch sử, và họ lo rằng ít người sẽ tới bỏ phiếu. Do đó, họ tìm kiếm thông tin, và 'thu hoạch' phiếu bầu qua thư. Không công bằng!"
Các bằng chứng cho thấy ngày càng nhiều người nhìn thấy những thông tin về "gian lận bầu cử" trên các trang mạng xã hội trong nhiều tuần qua. Candy chỉ là một trong số đó. Hàng trăm nghìn người đã tham gia các nhóm trên Facebook với ảnh bìa "Stop the Steal".
Từ đêm bầu cử tới nay, câu khẩu hiệu Stop the Steal đã được hàng loạt nhóm Facebook sử dụng, thu hút hàng triệu thành viên.
Một số nhóm đã bị xóa sau các bài đăng liên quan tới bạo lực và kêu gọi "nội chiến". Những nhóm này trở thành tâm điểm với hàng loạt đoạn video gây hiểu nhầm hoặc tin giả, và xuất hiện nhiều hơn trên trang tin của những người như Candy.
Phiếu bị hủy
"Họ nói rằng chúng tôi lập các nhóm này để nổi loạn ở các địa điểm khác nhau trên cả nước. Nhưng đó không phải sự thật," Candy tức giận nói về việc nhóm Stop the Steal của cô bị xóa.
Candy, cùng nhiều thành viên khác của nhóm, không kêu gọi bạo lực mà chỉ theo đuổi những gì mà cô nghĩ là sự thật.
"Mọi người chỉ đăng các thông tin mà họ cho rằng là gian lận bầu cử".
Trả lời BBC, Candy thừa nhận rằng cô dành quá nhiều thời gian cho Facebook - và mặc dù cô không tin những gì thấy trên mạng xã hội, nhưng đây lại là nguồn thông tin chính về bầu cử mà cô có.
Candy nhắc tới một loạt các thông tin thiếu bằng chứng: một số loại bút nhất định đã được sử dụng để biến phiếu bầu thành bất hợp lệ, hoặc phiếu bầu bị vứt, xé.
Theo điều tra của BBC, những thông tin này đều là sai sự thật, bịa đặt hoặc không thể chứng minh là thật.
Ví dụ: một người đàn ông tự nhận làm nghề kiểm phiểu nói rằng đã vứt phiếu của ông Trump ở Wisconsin. Tuy nhiên, trên thực tế, người đàn ông này sống ở ngoại ô Detroit, bang Michigan.
Trong cuộc đối thoại với BBC, người đàn ông 32 tuổi tiết lộ danh tính thực, nói rằng mình không liên quan gì tới việc kiểm phiếu - kể cả ở Wisconsin hay bất kì nơi nào khác. Việc quay video nói vứt phiếu của ông Trump đơn thuần chỉ là trò đùa cợt mà người này nghĩ ra.
Tới nay, chưa có bằng chứng xác thực nào về việc phiếu bầu bị vứt hoặc tiêu hủy.
Người chết bỏ phiếu
"Tôi thấy đoạn video nói rằng một người đàn ông phát hiện vợ mình bỏ phiếu trong năm nay trong khi bà ấy mất từ năm 2017," Candy nói.
Tuy nhiên, theo BBC, hầu hết các cáo buộc về người chết bỏ phiếu đều là tin giả hoặc nhầm lẫn danh tính. Có những trường hợp khác, người bỏ phiếu tử vong trước kì bầu cử. Quan chức tại bang Michigan đã xác nhận rằng trong trường hợp đó, phiếu bầu bị hủy bỏ ngay lập tức.