(Tổ Quốc) - Tuyến đường mới đây đã được khánh thành và được nhận xét và tuyến đường bao biển đẹp nhất Việt Nam.
Mới đây, thông tin tuyến đường bao biển được nhận xét là "đẹp nhất Việt Nam" đã chính thức hoàn thành được nhiều người quan tâm. Con đường còn được đặt thêm nhiều cái tên khác như con đường ven biển hiện đại và độc đáo nhất, hay con đường "bao quanh" di sản. Nó không ở đâu xa, mà chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ lái xe. Đó là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Tổng chiều dài của con đường là 18,7km, rộng tới 6 làn xe, kết nối 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Trong đó, đoạn bao biển, đi qua cầu Bài Thơ, dài 6km. Khởi công xây dựng từ tháng 8 năm 2019, điểm đầu của con đường kết nối với bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long, điểm cuối kết nối với cảng Km6, TP. Cẩm Phả.
Ảnh VOV
Được mệnh danh là tuyến đường bao biển đẹp nhất hay độc đáo nhất Việt Nam, chính là bởi khi lưu thông trên con đường này, người ta có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh sơn thủy hữu tình 2 bên đường. Một bên là dãy núi sừng sững với những rừng cây xanh ngát, một bên là biển xanh rộng mênh mông, sâu thẳm. Một điểm đặc biệt nữa của tuyến đường này đó là hai ống hầm xuyên núi, dài 235m.
Nhiều cá nhân nhận xét, nếu đừng từ đỉnh núi Bài Thơ nhìn xuống, tuyến đường bao biển trông giống như một dải cầu vồng lung linh sắc hoa, bám theo bờ vịnh Hạ Long - một Di sản Thiên nhiên Thế giới và được coi là một trong những biểu tượng của cảnh sắc Việt Nam.
Trên thực tế dọc mảnh đất chữ S, có không ít con đường khác cũng mang vẻ đẹp riêng biệt và được nhiều tín đồ du lịch đưa vào danh sách những con đường đẹp nhất Việt Nam. Không chỉ phục vụ mục đích đi lại, những con đường này còn có những dấu ấn, điểm độc đáo, khiến du khách vô cùng ấn tượng khi đặt chân tới. Có thể kể đến một con đường dốc thẳng đứng, một con đường rực rỡ sắc màu hay một con đường xuyên qua biển khơi...
Đường hầm xuyên núi nằm trên tuyến đường (Ảnh Báo Giao Thông)
Con đường bao biển ở Hạ Long đang gây sốt trong thời gian những ngày qua (Ảnh VOV)
1. Con đường xuyên rừng tràm Tân Lập, Long An
Mất hơn 2 giờ lái xe, với khoảng cách từ TP.HCM khoảng 120km, du khách sẽ đến được làng nổi Tân Lập, rồi đi xuồng để vào rừng tràm Tân Lập, Long An.
Rừng tràm vốn là một vùng đất ngập nước hoang sơ, gần biên giới Campuchia, liên kết với khu vực Đồng Tháp Mười, tạo thành mảng xanh rộng lớn với hệ thống kênh rạch chằng chịt, cùng sông Vàm Cỏ Tây chảy qua.
Khi đi xuồng đến rừng tràm, du khách sẽ được tham quan rừng bằng đường bộ, qua con đường mòn nhỏ, lắt léo xuyên qua rừng. Con đường dài khoảng 5km, rộng chỉ đủ 2 người cùng đi, băng qua hơn 100ha rừng tràm. Dọc 2 bên đường, ngoài những cây tràm cao vút, còn những loài cỏ cây dại, hay những mảng rêu phong, lá rụng đầy mắt đất. Tất cả những thứ đó tạo nên vẻ bí ẩn, hoang sơ nhưng lại vô cùng thu hút con con đường.
Con đường xuyên rừng tràm ở Long An
2. Con đường dốc thẳng đứng ở Gia Lai
Những con đường dốc có thể đã gặp nhiều ở nhiều địa phương, nhưng con dốc ở Gia Lai được xem là độc đáo nhất bởi sự thẳng đứng của nó. Nhìn từ xa, con dốc như thể kéo dài đến tận đường chân trời và không có điểm kết.
Thực tế, nó thuộc một phần tuyến tránh của TP.Pleiku, Gia Lai đi Kon Tom, thuộc địa phận xã la Pếch, huyện la Grai. Kéo dài 1km với độ cao gần như thẳng đứng, hai bên đường là bạt ngàn những vườn chè, vườn cà phê của người dân bản địa, cùng với đó là những cây muồng đen, muồng vàng. Tới mùa, sắc hoa muồng trổ vàng rực, khiến khung cảnh lại càng mãn nhãn.
Có được độ dốc đáng kinh ngạc cũng nhờ vào tay nghề của các nhiếp ảnh gia. Anh Chu Thế Dũng, một người đã chụp nhiều ảnh ở đây cho biết, thực tế con đường dốc ngoài đời không quá đáng sợ như trên ảnh. Khi chụp, tác giả đã sử dụng ống kính chuyên dụng cùng kỹ năng căn chỉnh góc chụp nên mới tạo ra được hiệu ứng độc đáo như vậy.
Con đường dốc ở Gia Lai (Ảnh Chu Thế Dũng)
3. Con đường thổ cẩm ở Hà Giang
Nhắc tới Hà Giang, đa phần du khách sẽ nhớ tới cao nguyên đá, những con đường đèo quanh co hay dòng sông Nho Quế. Tuy nhiên ở đây còn có một con đường rực rỡ sắc màu thổ cẩm vô cùng đẹp mắt, mang đặc trưng của cộng đồng người dân tộc.
Thực tế, con đường nằm trong nội khu một khu nghỉ dưỡng, thuộc xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Được khởi công vào tháng 8 năm 2020, con đường dài 1700m với đủ mọi họa tiết, hoa văn thổ cẩm đẹp mắt, được vẽ trực tiếp trên mặt đường.
Đặc biệt hơn, theo chia sẻ của đại diện khu nghỉ dưỡng, toàn bộ những đường nét hoa văn, thổ cẩm đều được những người nghệ nhân, chính là những người dân địa phương vẽ hoàn toàn thủ công bằng tay. Không chỉ giúp làm đẹp cho cảnh quan, dự án vẽ đường thổ cẩm còn giúp đỡ thanh niên địa phương có việc làm trong thời gian đó.
Con đường thổ cẩm ở Hà Giang
4. Con đường giữa đồi cát ở Bàu Trắng, Bình Thuận
Đến Bình Thuận du lịch, du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ những ngọn đồi bạt ngàn là cát trắng. Thông thường, hình thức di chuyển được yêu thích khi tham quan đồi cát sẽ là xe ô tô hoặc xe jeep. Tuy nhiên, với những du khách yêu thích việc tản bộ, hãy đến với Bàu Trắng.
Nơi đây có một con đường bê tông đặc biệt, dài chỉ chừng 1km, nằm giữa 2 bề mênh mông là cát trắng phau. Từ đó, nó tạo ra lối đi cho con người thuận tiện đi bộ cũng như trở thành một điểm check-in vô cùng mãn nhãn.
Theo nhiều người đã có kinh nghiệm thời điểm thích hợp nhất để trải nghiệm con đường này là khoảng sáng sớm, khi trời còn mát mẻ, chưa nắng gắt, hoặc chiều muộn để ngắm hoàng hôn.
Con đường giữa đồi cát trắng ở Ninh Thuận
5. Con đường xuyên biển ở Điệp Sơn
Một con đường nữa cũng liên quan đến biển, song nó khác biệt hoàn toàn với con đường ở Hạ Long. Đây là con đường đi xuyên biển, ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Cụ thể, con đường này có mục đích chính là nối liền hai hòn đảo trong dãy đảo Điệp Sơn, nằm trong vịnh Vân Phong. Nó hoàn toàn bằng cát, kéo dài khoảng 800m và rộng khoảng 1m. Nhìn từ xa hoặc từ trên cao, ta sẽ thấy con đường như một dải lụa đang uốn lượn giữa làn nước xanh ngọc của biển cả.
Nhiều du khách còn so sánh, con đường cát xuyên biển ở Điệp Sơn chẳng thua kém gì con đường nối liền 2 đảo Jindo và Modo nổi tiếng của Hàn Quốc. Để tới được đây, du khách sẽ đi ca nô ra đảo Điệp Sơn với thời gian khoảng 15 phút. Thời điểm đẹp nhất để khám phá con đường cũng là khi thủy triều xuống.
Con đường cát xuyên biển ở Điệp Sơn