(Tổ Quốc) - Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Tuyên Quang đã tư vấn học nghề, gắn với giới thiệu việc làm cho trên 37 nghìn người; Tạo việc làm cho trên 119 nghìn lượt người lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tư vấn học nghề, gắn với giới thiệu việc làm cho trên 37 nghìn người; Tạo việc làm cho trên 119 nghìn lượt người lao động. Như vậy bình quân mỗi năm tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động.
Trong công tác đào tạo nghề, gần 55 nghìn người đã được đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh từ 45% năm 2015 lên 60% năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 27% năm 2015 lên 37%.

Số lao động qua đào tạo nghề có việc làm tăng nhanh (ảnh minh họa: T.Nam)
Để đạt được các kết quả nêu trên, Tuyên Quang đã tổ chức tập trung vào hoạt động giao dịch hỗ trợ việc làm; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động; phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; lao động di cư...
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, 5 năm qua, các Trung tâm Dịch vụ việc làm liên tục tổ chức, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm như: Phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm định kỳ, tư vấn việc làm, học nghề... Qua những hoạt động này đã thu hút 19.400 lượt người lao động; tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho trên 100.000 lượt người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội tại 139/139 xã, phường, thị trấn.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 12 cơ sở đào tạo nghề tại các huyện và thành phố, với nhiều ngành nghề được mở phù hợp với nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, các cơ sở đạo tạo nghề luôn chủ động khảo sát nhu cầu tuyển dụng hiện nay và mời các doanh nghiệp tham gia giáo trình giảng dạy, nhất là phần thực hành cho học viên, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo và tiếp nhận những chương trình đào tạo từ nước ngoài đạt chuẩn quốc tế theo các dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề còn tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng và xã hội…

Những lớp đào tạo nghề may luôn được lao động quan tâm (ảnh minh họa: T.Nam)
Các cơ sở đào tạo nghề cũng thường xuyên mở lớp đào tạo nghề ngắn ngày cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế nhiều lớp dạy nghề ngắn ngày đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như nghề trồng chè Shan tuyết ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa; nghề may, gò hàn ở Sơn Dương; nghề mộc, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp ở Chiêm Hóa...
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, có văn bằng chứng chỉ là 30%.