(Tổ Quốc) - Trước thực trạng số lượng tuyển sinh đầu vào của khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng trên cả nước có dấu hiệu sụt giảm, sáng nay (19/6), các trường có chuyên ngành đào tạo mỹ thuật ứng dụng đã ngồi lại với nhau trong khuôn khổ Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam trước những thách thức hiện nay” để cùng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các hướng giải quyết vấn đề này.
- 26.03.2018 Khai mạc Triển lãm tranh đồ họa “Nghệ sĩ Jiri Sliva – Café Nonsens”
- 03.04.2018 Bộ VHTTDL đề nghị trưng bày tượng phù hợp với văn hóa Việt Nam
- 16.05.2018 Triển lãm Điêu khắc với Màu sắc: Ít nhưng chất!
- 05.06.2018 Khoảnh khắc nghệ thuật được định hình sau 30 năm
- 09.06.2018 Đức và Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm về tranh sơn mài
Thực tế, chúng ta đang ở trong thời đại kỷ nguyên số đã và đang bùng nổ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Đặc biệt, thời gian qua khái niệm Công nghiệp 4.0 được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, những đột phá về công nghệ diễn ra trên nhiều lĩnh vực và hứa hẹn nhiều triển vọng mới. Thực tế này đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt chúng ta trước những thách thức mới.
Số lượng sinh viên theo học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng đang giảm dần |
Hội thảo được tổ chức để các đơn vị trong ngành có dịp cùng nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu của ngành mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam, trên cơ sở đó nắm bắt những cơ hội, tìm ra những giải pháp để khắc phục những thách thức trong việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh Công nghiệp 4.0. Kết quả hội thảo sẽ gợi ý ra những định hướng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh hiện nay để có kết quả cao hơn nữa.
Đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn và đòi hỏi cần phải đổi mới toàn diện từ quan điểm, mục tiêu, chương trình đào tạo tới đội ngũ các thầy cô giáo, cũng như không ngừng hoàn thiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các đơn vị đào tạo. Cùng đó, mối liên hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần phải cải thiện chặt chẽ hơn để các sinh viên theo học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng có điều kiện, môi trường thực tập, đồng thời gắn thực tế với nguồn lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Hội thảo - Tọa đàm “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam trước những thách thức hiện nay” thu hút sự quan tâm của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cùng đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh… có liên quan tới mỹ thuật ứng dụng.
Buổi Hội thảo do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng phối hợp trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đồng tổ chức. Đã có hơn 30 bài viết, ý kiến đóng góp xác đáng gửi về BTC Hội thảo - Tọa đàm, trong đó có nhiều tham luận đáng chú ý của các nhà giáo, nhà nghiên cứu đầu ngành như: Đặng Mai Anh, Đỗ Trung Dũng, Trần Thị Biển, Nguyễn Thị Phương Dung, Bùi Trung Dũng, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đắc Thái, Hoàng Minh Phúc, Đỗ Anh Tuấn…
Đây là Hội thảo khoa học toàn quốc về lĩnh vực đào tạo MTƯD mang tầm quốc gia lần thứ hai được tổ chức, là cơ hội để các đơn vị, các ‘nhà’ cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra những cơ sở lý luận, phạm trù khoa học và chia sẻ những kinh nghiệm có giá trị đóng góp cho sự phát triển đào tạo MTƯD nói chung và thúc đẩy công tác đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị- Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp phát biểu tại Hội thảo - Tọa đàm |
Là một trường đại học có bề dày trên 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị- Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, nhiều trường trong số hơn 30 trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng trên cả nước gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu vào, riêng ĐHMTCN số hồ sơ tuyển sinh 2018 là hơn 1.600 hồ sơ (chỉ tiêu Bộ GDĐT phân bổ 410 chỉ tiêu), là dấu hiệu đáng ghi nhận và cũng là cơ sở để Trường có thể trao đổi kinh nghiệm cùng các trường trong Khối. Việc tổ chức Hội thảo - Tọa đàm trong thời điểm này là việc làm cần thiết và chủ đề trao đổi tại tọa đàm rất thiết thực bởi trong những năm gần đây cũng như thời gian tới, trước thách thức của cuộc Cách mạng 4.0, đào tạo mỹ thuật ứng dụng cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đó. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ giúp các cơ sở đào tạo MTƯD biết cần phải làm gì trước những thách thức của xã hội và cuộc sống hiện nay, đồng thời giúp cho công tác đào tạo MTƯD của nước nhà đạt kết quả tốt nhất.
PGS.TS. Đặng Mai Anh- Phó Hiệu trưởng trường ĐHMTCN
Đi sâu vào mối liên hệ giữa đào tạo lý thuyết với thực tiễn, PGS.TS. Đặng Mai Anh- Phó Hiệu trưởng trường ĐHMTCN cho hay, việc đào tạo lý thuyết trong trường không thể xa rời thực tế. Cần phải có một môi trường giúp sinh viên hiểu rõ vấn đề lý thuyết gắn kết với thực tế, cụ thể là đào tạo MTƯD hướng tới thiết kế sản phẩm mang giá trị truyền thống. Việc đi sâu đi sát vào sản xuất sẽ giúp các sinh viên hiểu rõ vai trò công nghệ trong thiết kế, trong sản xuất và vận dụng linh hoạt được những thế mạnh của công nghệ, ý tưởng sáng tạo, thực tiễn trong sản xuất. Việc tạo ra một môi trường thực hành, môi trường cọ xát với thị trường xã hội là rất cần thiết nên chương trình đào tạo của trường luôn có sự kết hợp, bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, làng nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam. Đã có nhiều đề tài tốt nghiệp của các sinh viên gắn liền với doanh nghiệp và theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo sát tình hình sinh viên theo học Khoa Design, trường STU, TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú- Trưởng khoa cho rằng việc tuyển sinh chững lại, thậm chí còn thụt giảm là do nhiều nguyên nhân: khách quan, chủ quan, về cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, sự hấp dẫn đầu ra đối với các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành MTƯD… Trước những thay đổi không ngừng của thực tế, để có thể thu hút sinh viên theo học đòi hỏi chương trình đào tạo cập nhật liên tục; cùng đó phải tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để các cơ sở trong cùng ngành có dịp chia sẻ, tương tác, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau…; tổ chức gặp gỡ sinh viên mọi miền đất nước trong các sân chơi, giải thưởng để khích lệ tinh thần…
Tham gia Hội thảo, đại diện công ty Cổ phần Hãng phim Giải Phóng cho biết sẽ tạo điều kiện để các sinh viên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ làm phim, sử dụng các ứng dụng đồ họa trở thành những sản phẩm đáp ứng yêu cầu mới của thời đại.
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo đã có nhiều ý kiến đưa ra xoay quanh các vấn đề: Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nhân lực MTƯD tại Việt Nam hiện nay có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng chuyên nghiệp; Đào tạo MTƯD đang bộc lộ một số lúng túng, thiếu đột phá, sáng tạo, chưa đáp ứng được tính công năng dẫn đến những giải pháp còn yếu về thực tế; Trong chương trình đào tạo chuyên ngành thiết kế mỹ thuật ứng dụng cần cập nhật những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội; Cần am hiểu hơn kiến thức đa năng, liên ngành về mỹ thuật sản xuất thiết bị quản lý và tiêu thụ sản phẩm; Các cơ sở đào tạo MTƯD cần nắm bắt cơ hội và đáp ứng những thách thức mới của nền Công nghiệp 4.0; Tác động của công nghệ hiện đại tới xu hướng đào tạo chuyên ngành về MTƯD...
Trước những thách thức của hiện trạng đào tạo mỹ thuật ứng dụng, qua nhiều ý kiến thiết thực trao đổi tại buổi Hội thảo - Tọa đàm lần này, BTC cho biết dự kiến cuối năm nay sẽ tiếp tục tổ chức tọa đàm về MTƯD tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng với chủ đề Đào tạo chuyên sâu chuyên ngành thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang và tạo dáng công nghiệp; song hành với hội thảo sẽ là Triển lãm những bài tập, những đồ án tốt nghiệp của các trường đào tạo MTƯD; Trưng bày các kết quả các bài tập và đồ án tốt nghiệp xuất sắc của các sinh viên khối các trường đào tạo MTƯD.
Võ Vân