Tuyển sinh năm 2023: Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh 3 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
(Tổ Quốc) - Sáng 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) năm 2023.
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, Bộ GDĐT cũng như các trường Đại học, Cao đẳng đã có sự phân tích đầy đủ để làm rõ những mặt được - chưa được, những tồn tại, hạn chế của việc áp dụng các phương tiện tuyển sinh khác nhau, kế hoạch tuyển sinh các cơ sở đào tạo, các vấn đề liên quan tới chỉ tiêu và kết quả đạt được của các lĩnh vực, các ngành nghề khác nhau, dữ liệu về chỉ tiêu, tỉ lệ nhập học của các địa phương so với số thí sinh tốt nghiệp THPT.
Một phần hạn chế tồn tại được Bộ GDĐT chỉ ra thông qua việc phân tích dữ liệu, qua kiểm tra, thanh tra... Những hạn chế về mặt kỹ thuật cũng xuất phát từ một số đổi mới nhưng cũng từ những nguyên nhân như chưa làm tốt công tác truyền thông, công tác phối hợp giữa Bộ GDĐT với các sở GDĐT, với các trường đại học. Có những tồn tại hạn chế thuộc về các trường đại học, ví dụ như cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức, quyết định phương thức tuyển sinh, tuyển vượt số lượng tuyển sinh theo các chỉ tiêu, một số trường chưa báo cáo kịp thời dữ liệu lên hệ thống.
Từ những hạn chế tồn tại đó, phân tích nguyên nhân, Bộ GDĐT đã đề ra các định hướng. Về cơ bản là tương đối ổn định về phương thức, cách thức tuyển sinh, chỉ có những cải tiến về mặt kỹ thuật để đơn giản hóa cho thí sinh, để giảm thiểu các sai sót cho các thí sinh, tạo điều kiện cho các trường tham gia hệ thống chủ động hơn, có đầy đủ dữ liệu hơn để thuận tiện trong quá trình xét tuyển của mình.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trong công tác tuyển sinh năm 2023 cần tập trung thực hiện trong thời gian tới tương ứng với định hướng đã nêu.
Nhiệm vụ đầu tiên được Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập là hoàn thiện các văn bản. Theo Thứ trưởng, Quy chế tuyển sinh năm nay không thay đổi, giữ ổn định như vậy, chỉ có một nội dung có điều chỉnh, đưa vào từ năm 2022 và năm nay chúng ta áp dụng, đó là cách tính điểm ưu tiên.
Thứ trưởng cũng lưu ý tới danh mục ngành thí điểm sớm hoàn thiện. Danh mục ngành thí điểm này do Bộ GDĐT xây dựng, thành lập các hội đồng gồm các chuyên gia đến từ các trường ĐH để chúng ta xem xét việc đưa các ngành mới vào để thí điểm thực hiện. "Năm 2022, chúng ta đã có thông tư quy định về danh mục ngành đào tạo, trong đó có xây dựng ngành thí điểm. Chúng tôi sẽ thúc đẩy để hội đồng, các ban chuyên môn sớm có văn bản ban hành năm nay", Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng đồng thời đề nghị, các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình. Với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, đề nghị rất lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường. Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thầy cô đại biểu hôm nay và các ý kiến khác.
Nội dung thứ 2 được Thứ trưởng đề cập tới, tập trung nhiều ở Bộ GDĐT, Cục CNTT phối hợp với Vụ GDĐH để hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu. Bộ sẽ hoàn thiện sửa đổi phần mềm, hướng dẫn các nơi. Riêng phần cơ sở dữ liệu đặc biệt lưu ý liên quan tới các trường ĐH cũng như các Sở GDĐT. Năm nay có điểm mới về mặt kỹ thuật. Trước nay chúng ta có nhiều phần mềm, nhiều cơ sở dữ liệu, xác định chỉ tiêu tuyển sinh có cơ sở dữ liệu riêng, phần mềm tuyển sinh có cơ sở dữ liệu riêng, cơ sở dữ liệu ngành có cơ sở dữ liệu riêng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã hoàn thành, nghiệm thu và vừa rồi tập huấn các trường đại học để sử dụng. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH. Và từng bước một để tất cả các cơ sở dữ liệu, nhiệm vụ khác sẽ phải tích hợp ở đây.
Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Việc kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu này được thực hiện từ năm 2022 và nay sẽ tiếp tục làm. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS. Vì vậy, đặc biệt lưu ý là trong tháng 3 này, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết, thời hạn cụ thể để các CSĐT hoàn thiện cơ sở dữ liệu của mình, đặc biệt những gì liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Đối với các Sở GDĐT, các thầy cô chỉ đạo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12, hoàn thiện về mã định danh, căn cước. Các dữ liệu đảm bảo nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và cơ sở dữ liệu khác như bảo hiểm, y tế… thì phải có mã căn cước, mã định danh này đảm bảo nhất quán, chính xác. Những điểm kết quả học tập như học bạ, cần cập nhật lên luôn, đầy đủ để các CSĐT có cơ sở dữ liệu về học bạ để thực hiện việc xét tuyển của mình.
Các trường đại học tổ chức thi riêng, cũng như tổ chức thi năng khiếu cũng có thể làm việc với Bộ GDĐT để mở Cổng cập nhật dữ liệu này lên, nhất là chúng ta tổ chức các kỳ thi có kết quả nhiều trường sử dụng. Việc cập nhật dữ liệu lên đây sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.
Tuy nhiên, "các trường tổ chức xét tuyển sớm không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trên cơ sở các tài liệu hệ thống như vậy, Bộ GDĐT sẽ xây dựng các tài liệu tiếp theo để tổ chức tập huấn, tuyên truyền, Thứ trưởng đề cập tới nhiệm vụ thứ 3 cần thực hiện. Việc phổ biến nội dung ngay từ đầu, những gì chúng ta thống nhất để định hướng ngay từ đầu để thí sinh không còn bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống, để các em có trách nhiệm trong quá trình đăng ký.
"Nhiều em đăng ký không phải sai sót về kỹ thuật mà có thể các em chưa cân nhắc kỹ, lúc thay đổi có thể muộn cho nên cần tuyên truyền mạnh mẽ cái này để tất cả thí sinh có được đầy đủ thông tin về điểm mới năm nay, về điều kiện, phương thức tuyển sinh của từng trường. Điểm này rất quan trọng, trong Quy chế tuyển sinh cũng đặt ra, chúng ta cần tạo công bằng cho thí sinh, công bằng ngay từ khi tiếp cận thông tin. Khi chúng ta có giải pháp thông tin tuyên truyền sâu rộng thì đây là giải pháp với chi phí thấp nhất, giảm thiểu sai sót", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ tại Hội nghị.