• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm giảm thiểu hành vi sai lệch, phản cảm trong lễ hội

07/03/2018 10:00

(Cinet) - Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong các lễ hội một cách thụ động, vấn đề quản lý tổ chức lễ hội cần có kế hoạch và từng bước thực hiện cụ thể. Trong đó, mục đích cuối cùng vẫn là thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen của chủ thể lễ hội – chính là người dân

(Cinet) - Mùa lễ hội năm 2018 vừa bước vào giai đoạn “nóng” hàng năm. Nóng ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” như các cụ ta thường nói và tháng Giêng cũng là mùa của những lễ hội được tổ chức ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam. Người người đi hội, nhà nhà đi hội đã tạo nên sức “nóng” ở nhiều lễ hội. Nhưng vẫn còn đó những hành vi sai lệch, phản cảm tại các điểm “nóng” lễ hội. Đó là tình trạng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, là tình trạng ăn xin, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, mất vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó là không ít phong tục phản cảm không còn phù hợp với cuộc sống đương đại.



Câu chuyện quản lý lễ hội là chuyện “trường kỳ” trong nhiều năm qua. Làm sao để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội? Làm sao để chủ thể của lễ hội được đón nhận những giá trị tinh thần “trong sáng” không đục tính thương mại? Làm thế nào để loại bỏ những hành vi sai lệch, phản cảm của lễ hội nhiều năm qua?

Sự vào cuộc quyết liệt 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng đoàn kiểm tra

công tác lễ hội tại đền Trần. Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Điều đáng mừng là cho đến thời điểm này, mùa lễ hội năm 2018 diễn ra khá “êm ả”. Ngay trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận định: “Các lễ hôi đầu năm đã được chấn chỉnh kịp thời, nhất là các lễ hội phản cảm, lễ hội lợi dụng để thương mại hóa với sự vào cuộc của Chính phủ, Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).”



Về phía Bộ VHTTDL, với tinh thần không để những tiêu cực của những mùa lễ hội trước tái diễn, ngay trước và trong mùa lễ hội, Bộ đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý đề các lễ hội diễn ra an toàn, trang trọng, lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc như: Công văn số 91/VHCS- QLHĐLH gửi các Sở VHTT, Sở VHTTDL về việc Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018; Công văn số 90/VHCS- QLHĐLH đề nghị tăng cường giám sát, quản lý công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; Công văn 93/VHCS-QLHĐLH gửi Sở VHTT Hà Nội về công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2018; Công văn số 99/VHCS-QLHĐLH gửi  Sở VHTTDL tỉnh Nam Định yêu cầu siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Đền Trần; Công văn khẩn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc chấn chỉnh công tác tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan …



Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tại các “điểm nóng” ngay khi mùa lễ hội chuẩn bị bắt đầu (tại đền Trần và Chùa Hương) với chỉ đạo sâu sát, thực tế đã khiến các địa phương một lần nữa nhìn nhận lại vai trò của mình trong công tác tổ chức lễ hội. 



Cần sự đồng thuận từ nhân dân




Chia sẻ về công tác quản lý tổ chức lễ hội tại Hà Nội, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện từ đầu năm 2018. Sau khi Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ có công điện, Bộ VHTTDL có văn bản chỉ đạo hướng dẫn, Sở VHTT Hà Nội đã chủ động để tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo. Về mặt chuyên môn, Sở VHTT đã họp lại với Ban tổ chức lễ hội và nhân dân các xã phường có liên quan đến một số lễ hội “nóng” những năm qua. Tinh thần là nhận diện đúng các giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội. Bên cạnh đó, cũng có cải tiến để phù hợp với thuần phong, mỹ tục, và đặc biệt là không gây ra những hiện tượng phản cảm.”

Lễ hội đền Sóc 2018 đã không còn tình trạng tranh cướp lộc. Nguồn ảnh: Báo Hà Nội Mới

Đơn cử như tại Lễ hội đền Sóc, lễ hội năm nay được tổ chức với hình thức mới - không cướp lộc. Ban Tổ chức đã lên phương án để lễ hội vẫn diễn ra đúng nghi thức truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, nhưng tránh được tình trạng tranh cướp “lộc” phản cảm. Trước đó, Ban quản lý khu du lịch – di tích đền Sóc đã có cuộc gặp gỡ với người dân 2 thôn Vệ Linh và Đan Tảo (hai thôn đảm nhận việc chuẩn bị rước giò hoa tre, trầu cau) để thống nhất việc thay đổi hình thức rước giò hoa tre và trầu cau trong ngày khai hội. Người dân ở hai thôn này đã thống nhất với cơ quan quản lý về việc sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng, hai giò hoa tre và trầu cau sẽ được chia nhỏ để lễ tạ tại đền Hạ và đền Mẫu, thay vì rước cả giỏ như mọi năm. Mặt khác, lộc hoa tre và trầu cau còn được chia nhỏ và tiếp tục phát cho người dân và du khách trong 3 ngày lễ.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Ảnh: Gia Linh

Những thành công của mùa lễ hội năm nay tại Hà Nội có được chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơ quan quản lý, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội và đặc biệt là từ sự đồng thuận của nhân dân trong công tác tổ chức lễ hội, ông Tiến khẳng định.



Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong các lễ hội một cách thụ động, vấn đề quản lý tổ chức lễ hội cần có kế hoạch và từng bước thực hiện cụ thể. Trong đó, mục đích cuối cùng vẫn là thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen của chủ thể lễ hội – chính là người dân. Bởi chỉ khi nâng cao nhận thức của người dân thì sẽ không còn những hành vi sai lệch, phản cảm trong lễ hội./.

Gia Linh

 

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ