• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thấp nhất cả nước

Giáo dục 23/12/2022 21:58

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng nay (23/12), nhiều vấn đề đã được đề cập và đưa ra các hướng khắc phục.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2%, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.

Giáo viên mầm non đứng lớp thấp nhất cả nước

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc. Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng Sông Hồng. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trong đó có 979 trường nội trú, bán trú. Hiện toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đi học.

Các địa phương trong vùng đã chủ động rà soát quy hoạch và xóa các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ theo hướng thành lập các trường liên cấp, liên xã, dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng còn 13.017 điểm trường, giảm 2.793 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010-2011.

Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.

Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu

Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn tuyển không đủ.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục của các địa phương trong còn nhỏ bé; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống nhân dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số địa phương không có cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thấp nhất cả nước - Ảnh 1.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nhìn nhìn ưu điểm, thành tựu... đánh giá sâu về những khó khăn và đề ra các giải pháp phát triển giáo dục của vùng, vì mục tiêu phát triển chung của cả nước

"Xóa đói, giảm nghèo trong giáo dục là vấn đề cần nhìn thẳng, cần đối mặt"

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, điều đáng mừng là cùng với Bộ GDĐT, các sở GDĐT, Hội nghị có sự tham gia, quan tâm phối hợp của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và sự góp mặt, lắng nghe, chia sẻ của lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng - những người có vai trò quyết định tới triển khai giáo dục tại địa phương.

Khẳng định với rất nhiều khó khăn, thách thức, những gì giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ làm được là vô cùng quý báu và cần được đặc biệt đánh giá cao, Bộ trưởng đồng thời cũng nêu nhận diện về những vấn đề cấp bách, trước mắt mà giáo dục Trung du và miền núi Bắc bộ phải làm.

"Trong khi các vùng khác đã đi xa thì chúng ta vẫn đang "xóa đói, giảm nghèo" trong giáo dục", nhấn mạnh đặc biệt điều này, Bộ trưởng cho rằng, công cuộc "xóa đói, giảm nghèo" trong giáo dục sẽ là vấn đề cần nhìn thẳng, cần đối mặt của cả vùng trong giai đoạn tới đây.

Cụ thể, trong chặng đường trước mắt, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cần hài hòa giữa phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với các mức độ khác nhau. "Vấn đề số 1 của chúng ta là phổ cập, dân trí mới là quan trọng hàng đầu, sau đó mới nói về các câu chuyện khác. Mục tiêu là giảm thấp nhất mù chữ, tái mù chữ. Con em đồng bào dân tộc được đi học, có con chữ, có trình độ giáo dục tối thiểu để có thể thay đổi được đời sống của chính mình", Bộ trưởng nói.

Cho rằng, các chính sách cho phát triển giáo dục vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có và có rất nhiều, song hầu như chưa đủ mạnh, chưa đủ đột phá, chưa bao quát được hết tính đặc thù, chưa mang tính quyết liệt, Bộ trưởng cho biết: Sắp tới, Bộ GĐT sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách với khu vực theo hướng gọn lại, tích hợp nhưng cần mang tính đột phá.

Trong đó, 2 vấn đề cần ưu tiên đột phá là chính sách về giáo viên - bằng mọi biện pháp giải quyết các vấn đề đặt ra về giáo viên, số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất, trường lớp, để cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm. Bộ trưởng mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các địa phương sẽ đồng hành, ủng hộ trong việc thực hiện công việc này.

Chia sẻ quan điểm, đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ giáo dục vẫn là việc mà nhà nước phải lo trước khi nói tới việc xã hội hóa, Bộ trường mong rằng, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục rồi, sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa.

"Bên cạnh việc chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, các trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn, nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được. Do đó, mong các địa phương lưu ý, lãnh đạo các địa phương chia sẻ", Bộ trưởng lưu ý.

Với hy vọng 3-5 năm tới sẽ nhìn thấy những chuyển biến tốt hơn của giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Bộ trưởng gửi gắm: "Trước khi hội nhập quốc tế, việc hội nhập quốc gia về giáo dục của vùng cũng rất quan trọng. Việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và chúng ta sẽ bắt đầu làm từ những việc nhỏ".

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ