• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tỷ phú đội nón mê

08/12/2010 15:01

Hoà lẫn trong bóng cây. Khẳng khiu, trơ trọi nhưng thẳng thớm và vươn dài. Nghe phảng phất trong gió lời ông Lượng “Chừ ri rồi chứ có hơn nữa thì tôi cũng là anh nông dân đội nón cời trồng cao su thôi! Không có đất tôi không làm chi được!”

Hoà lẫn trong bóng cây. Khẳng khiu, trơ trọi nhưng thẳng thớm và vươn dài. Nghe phảng phất trong gió lời ông Lượng “Chừ ri rồi chứ có hơn nữa thì tôi cũng là anh nông dân đội nón cời trồng cao su thôi! Không có đất tôi không làm chi được!”

Hẹn hò mãi... tôi cũng có dịp trở lại đất nông trường. Từ mép sóng Nhật Lệ ngược lên phía Tây non chục cây số là tôi đã chạm rừng. Rừng cao su. Đã qua lại đất nông trường rất nhiều lần nhưng cảnh rừng đang giữa đông như thế này tôi chưa từng gặp. Quen mà lạ. Gần gũi mà xa vời. Mùa này cây cao su đang trút lá. Cả cánh rừng xạc xào tiếng lá rơi. Những hàng cây khẳng khiu, thân cành trơ trọi, chỉ còn bịn rịn vài ba chiếc lá yếu đuối và mong manh. Bức tranh đẹp và buồn đến bâng khuâng tưởng chỉ gặp ở trời Âu, ai ngờ giữa vùng đất chỉ hai mùa mưa nắng này cũng có lúc cây rừng vặn mình trút bỏ mọi nhọc nhằn để vươn lên ngưỡng của sự phiêu diêu tâm thế. Cây cao su mảnh dẻ, khô gầy gợi trong tôi dáng dấp người đàn bà lam lũ giàu đức hy sinh. Hao khuyết và thánh thiện. Có những dòng thơ về cây cao su đúng như liên tưởng của tôi như thế này “Giữa rừng cây một dòng nhựa trắng/ Đang chảy ra từ thân một thiếu phụ hao gầy/ Không! Không phải, máu nàng chứ đâu phải sữa/ Đang rỉ ra từ vết thương không bao giờ chạy chữa/ Còn khơi thêm khi dòng chảy chưa nhiều/ Nàng âm thầm trong dáng đứng liêu xiêu/ Mang thương tích nhiều năm nhiều tháng.

Nhưng đó là những gì tôi gặp được trên đường. Lần này tôi trở lại nông trường không phải để ngắm cảnh mà để ngắm chân dung một con người. Ông ta đã vắt kiệt mình cho cây cao su. Và bây giờ ông ta là tỷ phú. Trong cái nhìn của tôi, đó là một tỷ phú đội nón mê. Ông Nguyễn Viết Lượng.

Tôi đã từng nghe kể nhiều về ông: Giám đốc. Thu nhiều triệu mỗi ngày. Lái xe hơi thăm rừng cao su. Hội Nông dân nhận ông là hội viên nông dân sản xuất giỏi. Hội Cựu chiến binh cũng mời nhà báo nhà đài đến quay phim, chụp ảnh ca ngợi ông. Ông, nhiều con người trong một con người. Con người này như thế nào mà đồng nghiệp của tôi có vẻ quý mến đến vậy và trước khi được mục kích sở thị, tôi đã hình dung: Đó là một con người đĩnh đạc, oai phong (Cựu chiến binh mà), lại thêm chút vâm váp, dân dã (Nông dân mà) và chắc là phải có phần sang trọng (Giám đốc ai chả vậy). Tôi nhầm! Gặp ông, nếu không được giới thiệu tôi sẽ không nghĩ đó là Nguyễn Viết Lượng- Giám đốc Công ty TNHH Thành Long. Ông ta mang dáng dấp của một người làm công. Nhỏ thó và xuề xoà trong bộ trang phục Cựu Chiến binh Việt Nam. Diện mạo ấy lại một lần nữa buộc tôi băn khoăn “Trong con người này đang có gì tiềm ẩn?”. Gần như đọc được ánh mắt có vẻ thăm dò của tôi, ông ấy nói luôn “Cách đây 20 năm, người ta gọi tôi là thằng điên!”.



Cây cao su (Có lẽ tên gọi này được người Việt chúng ta phiên âm từ thổ ngữ Mainas là Caouchurk) nghĩa là “nước mắt cuả cây”. Đây là loại thực vật thân gỗ, cho nhựa có nguồn gốc lâu đời ở rừng mưa Amazon. Cây cao su có mặt trên đất Quảng bình từ bao giờ? Theo các nhà nông học trong tỉnh thì mãi đến những năm trước 1975, nghĩa là sau khi cây cao su du nhập vào Việt nam gần 100 năm, nó mới chính thức vượt vĩ tuyến 17 để thực hiện vai trò cung cấp nguồn nguyên liệu cho nền công nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Những thông tin này có vẻ rất mới mẻ đối với ông Nguyễn Viết Lượng. Gương mặt sạm đen và già hơn tuổi 55, ông kể về cuộc đời mình với thái độ tỉnh queo “Tôi không biết rõ điều đó. Tôi đi lính không được mấy ngày. Hành quân vào đến vĩ tuyến 17 thì đất nước vừa thống nhất. Tiếc nhưng vui! Phục viên là tôi gắn bó với đất nông trường. Nhà nước giao nhiệm vụ trồng cao su thì chúng tôi trồng cao su... Làm công ăn lương mà! Hồi đó công nhân nhà nước nghèo lắm, đói nữa. Mà cột chặt, chẳng ai vùng ra kiếm được chi thêm. Nhìn cảnh mù mịt ấy vợ chồng tôi quyết định về hưu non, may ra có điều kiện chạy ngược chạy xuôi cho có thêm cái ăn cái mặc”. Ông Nguyễn Viết Lượng người quê vùng cồn bãi Quảng Văn - huyện Quảng Trạch. Đó là miền quê nước nhiều hơn đất. Sinh ra nơi ấy nên ông Lượng quý đất. “Ngày nhận quyết định hưu tôi day dứt nhiều. Câu hỏi “Về quê hay ở lại” làm tôi mất ngủ. Người sinh chứ đất không sinh. Trên nông trường này tôi chọc trời khuấy nước quen rồi, về quê thì làm chi ăn khi ruộng đất không một tấc. Hồi ấy tôi không biết cao su có giá trị cao như bây giờ đâu, chỉ nghĩ hắn có lợi ích kinh tế lâu dài, trồng hắn một lứa thì thu hoạch hàng chục năm vả lại anh nông dân thì cứ bám lấy đất sẽ không bao giờ đói. Vậy là tôi ở lại, lên tỉnh xuống huyện vật nài mãi... thậm chí liều, lỳ... nhưng tôi có lý của tôi, tôi vịn vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (hồi đó là chương trình 327) mà xin... Cuối cùng lãnh đạo nông trường là giám đốc Hội cũng hạ bút ký, cấp cho tôi 20ha vùng đồi hoang phía nam đập Đá Mài. Và từ đó tôi bắt đầu trồng những cây cao su đầu tiên của mình...”. Những tự sự của Nguyễn Viết Lượng khiến tôi nghĩ ngay đến lời một nhân vật dặn con gái mình trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”: “Đất đai là vật duy nhất có ý nghĩa trên đời, bởi vì đó cũng là vật duy nhất tồn tại mãi mãi, con đừng quên điều đó! Đó là vật duy nhất xứng đáng để bỏ công làm lụng, xứng đáng để chiến đấu bảo vệ... và xứng đáng để chết vì nó...”.

“Cây cao su lấy mất hồn tôi và cũng lấy đi của tôi nhiều mồ hôi, nước mắt”. Ông Nguyễn Viết Lượng đã đi mòn đàng chết cỏ để có đất. Nhưng không phải có đất là rồi chuyện. Vùng đồi phía nam đập Đá Mài 20 năm trước không như bây giờ. Đó là vương quốc của sim mua tràm chổi. Nông trường Việt Trung là đơn vị quản lý đất nhưng vì nhiều lý do người ta chưa thể khai thác hết, cây cao su cũng chưa được chuyên canh như bây gìơ. Những ngày mới có đất, từ màn đêm chưa tan đến nhọ mặt người, ông Nguyễn Viết Lượng ở lại đó. Lúc đầu ông không làm gì mà cứ đi như bị thôi miên hết chỗ này sang chỗ khác trên 20 ha đất ấy. Người không hiểu lòng dạ ông tưởng ông “bị làm sao”, sướng không ưng sướng chỉ ưng khổ. Lương hưu hai vợ chồng đó, mấy sào đất có sẵn đó, cứ chia đều ra, cứ bới cào mà ăn. Mắc chi?! Tiền không đủ nuôi đoàn con 4 đứa lại còn bớt xén tùng tiệm để nuôi đất. Biết mấy cho vừa! Nhưng mà sống trên đời mỗi người mỗi thân phận, mỗi người mỗi suy nghĩ. Người an phận thủ thường, được miếng nào xào miếng ấy, miếng nào không thấy thì thôi. Người ngồi yên là không chịu được. Ông Lượng thuộc dạng người thứ hai. Ông Lượng nghĩ khác. Chia mấy đồng lương hưu ra mà ăn cho qua ngày đoạn tháng cũng được thôi nhưng lại cứ luẩn quẩn mãi trong cảnh bí bách, thiếu thốn. Đầu tư vào đất, ông sẽ có thu dài dài. Ông không biết “Tư bản” là gì nhưng giá trị thặng dư của giọt mồ hôi ông tưới xuống đất, của những đồng tiền ông chắt chiu nuôi đất thì ông rõ. Ban đầu là sự đầy vơi trong mâm cơm mỗi ngày của gia đình. Và sau đó ông sẽ có tiền. Vậy nên ông cặm cụi... sấp ngửa... khóc cười với đất. “Chị biết không, hồi nớ làm sạch cỏ dại trên 20ha đồi hoang này là một kỳ công của gia đình tôi đấy. Nhưng mà chị cũng không hình dung ra nổi chúng tôi ngày ấy đâu. Đất đai sạch sẽ màu mỡ chừng mô thì cả nhà tôi nhem nhuốc tối tăm chừng nấy. Nhiều năm liền chúng tôi... “không thấy mặt trời” và thiếu đủ thứ... Nói chung là khốn khó nhưng không phàn nàn... Người ta gọi tôi là thằng điên... May vợ con tôi không nghĩ thế! Vợ con ở bên cạnh tôi và ở sau lưng tôi, còn trước mặt tôi là tương lai dài rộng của cả gia đình, vì thế mà tôi cứ rứa tôi làm...”

*

Ngôi nhà của ông Nguyễn Viết Lượng nằm trên nhánh đông đường Hồ Chí Minh. Đó là một biệt thự hai tầng hiếm hoi trên suốt dọc con đường kể từ thành phố Đồng Hới ra Phong Nha- Kẻ Bàng, nhiều đại gia thành phố cũng phải ngước nhìn. Trong đó, chủ nhân có treo bức thư pháp “Phú quý sơn lâm hữu khách tầm”, có nghĩa “Giàu có thì ở chốn núi rừng cũng có khách tìm đến”. Chi tiết nhỏ nhưng thể hiện một thái độ, một quan điểm sống. Ông ta không phải là người sính chữ, ông ta giàu có mà chung thuỷ. Mảnh đất này cho ông cơm áo, cây cao su cho ông tiền của, ông không thể rời xa. Hôm chúng tôi đến tìm, Nguyễn Viết Lượng không ngồi trong văn phòng. Người làm cho biết ông đang chỉ đạo công nhân xây dựng hệ thống nước thải cho xưởng chế biến cao su mủ khô Thành Long của gia đình. Nghe nói ông phải mời chuyên gia từ trường đại học thành phố Hồ Chí Minh ra để làm cho được công trình này và đã đổ vào đây gần cả tỷ bạc. “Cái xưởng này là tâm huyết cả cuộc đời tôi. Vừa chế biết cao su của nhà, vừa thu mua cho bà con trồng tiểu điền trong vùng. Làm xong tôi nghỉ. Tất tật giao cả cho mấy đứa con. Phương tiện, xe cộ, máy móc, nhà xưởng có cả rồi, chừ chỉ cố gắng nắm bắt thị trường mà kinh doanh cho có hiệu quả thôi. Coi như đời tôi làm culy để con cái làm ông chủ...”. Vậy là từ 20 ha đất hoang hoá và mấy mươi triệu bạc vốn liếng vừa tích cóp vừa vay mượn, sau 20 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt ông Lượng đã có cả một cơ ngơi đáng nể, giá trị tài sản trên dưới 30 tỷ đồng.

*

Mùa này cả vùng rộng lớn của nông trường Việt Trung trở thành bức tranh tĩnh vật khổng lồ. Óng vàng màu hoàng kim. Hàng triệu triệu chiếc lá đã vào độ chín lìa cành trở về với đất. Đời cây vừa tất toán một vòng quay, dồn hết mọi công năng cho mỗi đường gân thớ gỗ chuẩn bị chắt chiu dành dụm cho mùa tận hiến mới. Tạm biệt ông Lượng, tạm biệt cánh rừng cao su xào xạc lá trong một chiều nắng xiên khoai qua những hàng cây, dáng ông Lượng đổ dài theo bóng nắng. Hoà lẫn trong bóng cây. Khẳng khiu, trơ trọi nhưng thẳng thớm và vươn dài. Nghe phảng phất trong gió lời ông Lượng “Chừ ri rồi chứ có hơn nữa thì tôi cũng là anh nông dân đội nón cời trồng cao su thôi! Không có đất tôi không làm chi được!”./.

Bút ký Trương Thu Hiền

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ