(Tổ Quốc) - Cũng khởi nghiệp với việc bán mì gói ở Đông Âu giống như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang sau đó đã trở về Việt Nam và nhanh chóng tạo dựng cho mình một đế chế hùng mạnh trên thị trường nước mắm với khối tài sản ước tính 1,2 tỉ USD.
Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan ngày 3/12 đã thông qua thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo nội dung thỏa thuận, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Masan Group (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang hiện là một trong 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Masan Group sở hữu một loạt các doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: Thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).
Tại Masan Group, ông Quang chỉ sở hữu trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng ông lại sở hữu gián tiếp hàng trăm triệu cổ phiếu Masan thông qua hai pháp nhân là Masan Corp và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group.
Theo Báo cáo của HĐQT, năm 2018 doanh thu thuần của Masan đạt 38.188 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ hoạt động kinh doanh chính năm 2018 (không bao gồm lợi nhuận một lần) đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017. Biên lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh chính đạt mức 9,1% vào năm 2018 so với 5,9% năm 2017.
Trong năm 2019, Masan đặt mục tiêu là tăng doanh thu thuần 20-30% đạt mức từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty được kỳ vọng đạt 5.000 - 5.500 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 40-60% so với năm 2018.
Tính đến cuối quý II/2019, nợ phải trả của Masan gần 32.000 tỷ đồng, với 57% là nợ ngắn hạn. Trong tổng số trên 18.300 tỷ nợ ngắn hạn, được tài trợ chủ yếu là tiền vay và trái phiếu ngắn hạn với 12.028 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang là một trong cái tên sáng giá của Việt Nam được xướng tên trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo công bố của Forbes Asia 2019.
Trước đó vào ngày 15/08, Masan Group cũng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong Top 50 Công ty Niêm yết Tốt nhất Việt Nam năm 2019. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp Masan Group được vinh danh ở bảng xếp hạng này.
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư vào ngày 27/06 cũng bình chọn Masan Group trong Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 và thuộc nhóm 17 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp tại Nga bằng việc việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.
Ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Đến năm 2002, nước tương Chin–su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà. Và sau đó ông cho ra đời sản phẩm mì Omachi.
Năm 2015, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang bắt tay đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan, đồng thời tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN.
Cuối tháng 9.2016, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan.
Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.