• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tỷ phú Đồng Kỵ và giấc mơ “đưa gỗ đi xa”

Kinh tế 06/07/2018 19:35

(Tổ Quốc) - Muốn đưa được các sản phẩm của làng nghề xuất khẩu ra các nước (ngoài Trung Quốc), thì bắt buộc phải có một cụm công nghiệp tập trung. Nơi đó sản xuất theo quy trình chuẩn, đảm bảo những yêu cầu xuất khẩu, đồng thời phù hợp với tiêu chí phát triển bền vững…

Người dân Đồng Kỵ sẵn sàng bỏ đất, bỏ tiền ra làm dự án

Tiếng đục lách cách của người thợ, tiếng máy quay đều đều phát ra từ khu xưởng mộc phía sau nhà dường như càng góp phần cho câu chuyện giữa chúng tôi và Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ - Vũ Quốc Vương thêm phần sôi động. Câu chuyện chúng tôi đang trao đổi cũng chủ yếu xoay quanh gỗ, vấn đề phát triển của làng gỗ, hướng đi nào, tương lai nào cho ngành gỗ truyền thống nức tiếng xưa nay của người Đồng Kỵ.

Theo lời của ông Vũ Quốc Vương, hiện nay, Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ đang quy tụ 500 thành viên. Hiệp hội thực sự là một sân chơi bổ ích để các thành viên gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động, sản xuất. Xét ở góc độ chung, hoạt động của làng nghề vẫn phát triển tốt, các thành viên trong hội – những tỷ phú làng Đồng Kỵ vẫn “sống khỏe” với nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội gỗ Đồng Kỵ

Hiện tại, dù thị trường Trung Quốc vẫn rất tiềm năng nhưng trong cơ chế thị trường, muốn phát triển và đặc biệt là phát triển bền vững đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, cùng tầm nhìn xa. Nếu chỉ mãi quẩn quanh ở thị trường nội địa và Trung Quốc thì liệu tương lai của làng nghề sẽ ra sao? Liệu còn có thể phát triển và lớn mạnh để các tỷ phú của làng “sống khỏe” được hay không? Đó là những trăn trở khiến các "tỷ phú" của làng phải đau đáu. Quả như câu nói của vị Phó Chủ tịch phường đã chia sẻ “người Đồng Kỵ không đơn giản mà giàu lên”, họ có thể giao thương được với người Tàu, sang Thái Lan, Nam Phi để tìm mối làm ăn thì đâu có dễ “đầu hàng”.

Xuất phát từ những vướng mắc mà làng nghề hiện nay đang gặp phải như diện tích sản xuất của các hộ còn nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, chưa có sự tập trung, chưa có sự quản lý đồng bộ, chặt chẽ về xuất xứ của gỗ thành phẩm…., đồng thời qua khảo sát, nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…Người Đồng Kỵ đã tìm ra đáp án cho bài toán nan giải của mình, đó là việc phải mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được các sản phẩm mỹ nghệ của làng tới những thị trường tiềm năng này đòi hỏi phải có một cụm công nghiệp với quy mô lớn, áp dụng những quy trình sản xuất, quản  lý theo tiêu chuẩn, công khai minh bạch về nguồn gốc gỗ, chế độ với người lao động, nhãn mác hàng hóa, tác động đối với môi trường….

Để hiện thực hóa giấc mơ “đưa gỗ đi xa”, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của các thành viên trong hiệp hội, từ cuối năm 2016, đến đầu năm 2017, đề án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề khởi nghiệp gỗ Đồng Kỵ đã ra đời.

Với tổng diện tích khoảng 50 hecta, cùng số vốn đầu tư ban đầu 1000 tỷ đồng, dự án này nếu được triển khai và đi vào hoạt động sẽ đem lại “luồng gió mới” cho làng nghề và việc xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…là chuyện sớm muộn.

“Đất làm dự án đã có, tiền làm dự án cũng đã có, các thành viên trong hiệp hội sẵn sàng bỏ tiền và đất để làm dự án”, ông Vũ Quốc Vương thông tin.

Một số sản phầm đồ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ

Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ bao giờ được triển khai?

Theo kế hoạch cùng mong ước của Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ thì đến năm 2019 sẽ có cụm công nghiệp, đến năm 2020 cụm công nghiệp sẽ bước đầu đi vào hoạt động và hướng tới xuất khẩu ngay trong năm này.

Mục tiêu của đề án đưa ra cho giai đoạn 2016 – 2020 là chuẩn bị thủ tuc đầu tư cho cụm công nghiệp, đào tạo nhân lực, hình thành ban quản lý, xây dựng mối liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp ngành gỗ trong và ngoài nước; hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp; hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử chính của làng nghề; hỗ trợ startup cho giới trẻ làng Đồng Kỵ…

Không chỉ dừng lại ở năm 2020, mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo (2021 – 2030) cũng đã được vạch ra cụ thể. Vậy nhưng, tất cả chỉ dừng lại trên giấy tờ, văn bản, bởi hiện tại đề án vẫn chưa được các cấp xem xét và phê duyệt.

“Từ đầu năm 2017, hiệp hội đã gửi đề án đến các cấp, từ xã, huyện, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, UBND tỉnh và mới đây nhất là Bộ Công thương để xin ý kiến chỉ đạo, với mong muốn đề án sớm được phê duyệt để các thành viên yên tâm sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào bằng văn bản của các cơ quan chức năng. Qua gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi, lãnh đạo các cấp nói sẽ ủng hộ, nhưng đã gần 2 năm so với kế hoạch đề án, mọi thứ vẫn chưa có gì tiến triển cả. Theo đà này, chắc chắn mục tiêu đến năm 2019 có được cụm công nghiệp là không thể, chứ nói gì đến chuyện xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên vào năm 2020…”, ông Vũ Quốc Vương chia sẻ.

Logo thương hiệu của Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ đã đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ. Theo kế hoạch đến 2019, các sản phầm xuất sang Trung Quốc sẽ được bảo hộ

Trong khi đó, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn (được Chính phủ ban hành tháng 4 năm 2018), mục Hỗ trợ phát triển làng nghề đã quy định rất cụ thể: Làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Cũng theo Nghị định này, các làng nghề truyền thống phải được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề. UBND cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn theo quy định hiện hành...

Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, làng nghề phải được khuyến khích phát triển được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.”

Căn cứ vào những điều có trong Nghị định 52/2018/NĐ-CP, đối chiếu với những cơ sở thực tại của làng nghề Đồng Kỵ hiện nay thì đề án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề khởi nghiệp gỗ Đồng Kỵ rõ ràng là một hướng đi phù hợp và sáng tạo của địa phương. Đề án này sẽ giúp các hộ dân, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề có được hướng đi đúng đắn nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như những tiêu chí về môi trường, tạo ra cơ sở cho sự phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Người dân đã sẵng sàng (góp đất, góp tiền) để làm đề án, hiện tại chỉ còn chờ sự vào cuộc của chính quyền sở tại, các cơ quan chuyên môn… Mong rằng đề án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề khởi nghiệp gỗ Đồng Kỵ sẽ sớm được triển khai, đi vào hoạt động, để người dân và các doanh nghiệp cùng các tỷ phú ở đây sớm hiện thực hóa được “giấc mơ đưa gỗ đi xa”./.

 

Bài, ảnh: Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ