(Tổ Quốc) - Hầu hết những trường hợp như vậy đều để lại hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn sớm, tiền mất tật mang. Tại Bệnh viện K, các bác sĩ vẫn tiếp nhận không ít những người bệnh cả tin như vậy.
Chị C. với khối u vú trước khi được phẫu thuật
Thời gian qua, câu chuyện về người bệnh điều trị ung thư không tin tưởng vào y học mà nghe theo mách bảo, tự ý điều trị đắp lá, uống thuốc nam được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 13/09, bệnh nhân Sàn Sín C. 37 tuổi quê tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nhập viện với khối u "khủng" chiếm toàn bộ vú trái. Khối u đã trực vỡ, gây khó chịu cho chị C.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chị đều phải giữ áo hoặc mặc đồ rộng để tránh sự cọ sát của khối u, "cảm giác nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào, không hiểu sao chị ý có thể để khối u to đến như vậy mới đến viện" – bệnh nhân Nguyễn Thị V. bệnh nhân cùng phòng điều trị chị C. ái ngại chia sẻ.
Là người dân tộc nên giao tiếp bằng tiếng Kinh khá hạn chế, bằng mọi cử chỉ chị C. cố gắng nói để mọi người hiểu câu chuyện của mình để cảnh tỉnh những bệnh nhân khác. Chị cho biết "14 năm trước đây, chị phát hiện có khối u bên vú trái nhưng nó rất nhỏ và không đau đớn gì, 2 năm trở lại đây u to nhanh. Chị chủ quan không đi khám, nghe mọi người mách đến thầy lang có tiếng ở bản khác, chị làm theo, đến lấy lá và thuốc năm về uống.
"Vợ chồng chị làm nương rẫy, trông ngô, khoai sắn năm này qua năm khác chỉ đủ ăn. Thấy không đau, không to và cũng không có tiền nên không đi Bệnh viện." Nhiều bệnh nhân nghe chị nói vừa cảm thông, vừa trách chị để bệnh nặng quá, tiền mất tật mang.
"Chị có biết loại lá chị đắp, thuốc nam chị uống suốt những năm qua là gì không?" .... ánh mắt chị nhìn xa tiếc nuối, chỉ biết lắc đầu.
Với khối u lớn như vậy, cuối tháng 9/2019 các bác sĩ khoa Ngoại vú gồm BS Nguyễn Nhật Tân; BS Đào Thanh Bình, BS Bùi Anh Tuấn đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân C.
BS Nguyễn Nhật Tân cho biết "Khối u chiếm toàn bộ vú trái, trực vỡ do bệnh nhân đắp lá lâu năm khiến tăng sinh mạch, chảy máu. Nếu bệnh nhân không phẫu thuật, hậu quả rất khó lường vì khối u có thể vỡ bất kỳ lúc nào, khi đó bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, chảy mủ hôi, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sức khỏe. Vấn đề khó khăn với ekip phẫu thuật là phải xử trí cầm máu tốt và làm vạt tạo hình để đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân."
Được biết, sau 3 giờ phẫu thuật, khối u vú gần 4kg, kích thước khoảng 18x20 cm đã được loại bỏ, chị C. đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.
TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú cho biết "Đây là trường hợp u phyllodes ác tính hay còn gọi là u dạng lá, nếu bệnh nhân không thực hiện những phương pháp thiếu khoa học và đến bệnh viện sớm và thì việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều".
Ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp, chính vì vậy chị em phụ nữ nên thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tự kiểm tra khám vú tại nhà, khi thấy dấu hiệu bất thường ở vú cần đến cơ sở chuyên khoa uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời.