(Tổ Quốc) - Ứng dụng công nghệ 4.0 vào xây dựng các sản phẩm văn hoá phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đang là xu hướng phát triển bền vững, hiệu quả của các bảo tàng, di tích tại Hà Nội .
Hòa nhịp cùng xu thế phát triển
Sau Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… mới đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã nhận được hiệu quả và hiệu ứng tích cực.
Ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát huy giá trị di sản, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên internet, trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, trải nghiệm tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia tiến sĩ, tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D… Những công nghệ này giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong môi trường "ảo mà như thật"; xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn.
Theo đó, bằng công nghệ 3D Mapping (là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim), chương trình "Kể chuyện đạo học Việt Nam" tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học và truyền thông. Kỹ thuật làm 3D Mapping sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật, sau đó, từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật viên sẽ tạo các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng 3D để trình chiếu cho người xem. Ứng dụng này cũng rất thích hợp để triển khai tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan, du lịch đêm.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: "Một trong những hướng đi của Văn Miếu thời gian tới là tập trung vào công nghệ. Chúng tôi vẫn ý thức được rằng, công nghệ chỉ là phương tiện, quan trong nhất vẫn là nội dung. Nhưng hiện nay, công nghệ vẫn là cách thức đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ".
"Ngoài thuyết minh tự động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ xây dựng ứng dụng trên internet để du khách có thể truy cập từ thiết bị thông minh của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ cho ra mắt sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo. Qua đó, khách tham quan có thể tương tác với rô-bốt để tìm hiểu các thông tin về di tích, chủ động tiếp cảnh trong bối cảnh dịch Covid-19" – ông Lê Xuân Kiêu cho hay.
Nghiên cứu kỹ để có đặc trưng riêng
Theo các chuyên gia văn hóa cho rằng, ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng, di tích rất cần thiết song mỗi đơn vị cần khai thác đặc trưng, thế mạnh của mình để thực hiện, tạo sản phẩm đặc biệt và khác biệt, không thể làm theo trào lưu. Sản phẩm công nghệ làm ra cần được đầu tư về nội dung, chất lượng và tính đến cách vận hành, quảng bá.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh: "Tôi ủng hộ việc các bảo tàng, di tích ứng dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm văn hoá. Tuy nhiên, chúng ta cần làm thận trọng, từng bước để đánh giá. Chúng ta có thể phối hợp với các đơn vị công nghệ để thực hiện nhưng không được giao khoán. Người làm di tích, bảo tàng không thể làm ào ào, lơ lửng".
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS Đặng Văn Bài khẳng định: "Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này thì các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0".
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: "Ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản cần sự dũng cảm, sáng tạo đi tắt đón đầu làn sóng du lịch sau đại dịch Covid-19. Những giá trị lịch sử, văn hóa được truyền tải bằng nghệ thuật trình chiếu ánh sáng, âm thanh, hình ảnh sẽ dễ dàng tiếp cận du khách, đặc biệt là ở mọi lứa tuổi. Bởi vậy, đây là xu hướng mới nhưng cần tìm hiểu và nhân rộng. Tuy nhiên, các di tích phải chủ động tìm tòi, sáng tạo, để đưa ra sản phẩm đặc trưng, nổi bật của di tích mình chứ không chỉ là sự dập khuôn, máy móc"./.