• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ứng dụng công nghệ số: Tạo sức hút để bảo tàng đến gần hơn với công chúng

Văn hoá 12/10/2024 07:34

(Tổ Quốc) - Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu ngày càng phong phú của công chúng và yêu cầu gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật, di sản văn hóa, đã cho thấy việc ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu trong hoạt động bảo tàng. Nó được coi như một "phương tiện" để thu hút công chúng, đặc biệt, giới trẻ quan tâm hơn tới bảo tàng, đến văn hóa và lịch sử dân tộc

Thay đổi để thu hút khách

Nếu như trước đây, nói đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng của các hiện vật hay không gian trưng bày thiếu sự hấp dẫn, thì hiện nay, cùng với những nỗ lực thay đổi trong cách trưng bày, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không gian số hóa đã khiến nhiều bảo tàng đã "lột xác" trở thành các bảo tàng thông minh thu hút đông đảo khách tham quan. Hiện nay không ít bảo tàng đã mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), triển lãm 3D trực tuyến... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Điển hình có thể kể đến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày từ nhiều năm trước. Không chỉ giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm thú vị, công nghệ này còn có khả năng lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc. Truy cập vào trang web của bảo tàng, du khách có thể tham quan, tìm hiểu hiện vật trên nền tảng 3D bằng cách sử dụng mũi tên trên màn hình để di chuyển, vừa ngắm các hiện vật trưng bày, vừa lắng nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên ảo.

Ứng dụng công nghệ số: "phương tiện" để thu hút công chúng đến với bảo tàng - Ảnh 1.

Triển lãm 3D Việt Nam thời tiền sử của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Hay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là một trong những đơn vị bảo tàng được đánh giá cao trong việc triển khai ứng dụng công nghệ số tăng trải nghiệm cho du khách. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang ứng dụng nhiều sản phẩm của công nghệ cho công tác trưng bày, triển lãm như thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Tour 3D, triển lãm mỹ thuật trực tuyến… Đặc biệt, vừa qua, với Giải pháp Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được trao Giải thưởng Đơn vị sự nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ: "Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu ngày càng phong phú của công chúng và yêu cầu gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật, di sản văn hóa, đã cho thấy việc ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu trong hoạt động bảo tàng. Nó được coi như một "phương tiện" để thu hút công chúng, đặc biệt, giới trẻ quan tâm hơn tới bảo tàng, đến văn hóa và lịch sử dân tộc.

Bởi, khi ứng dụng công nghệ đã giúp cho các hiện vật, di sản của bảo tàng được trưng bày ở trạng thái tĩnh trở nên có câu chuyện hơn, qua đó, tạo ra sự trải nghiệm sống động và tương tác cho người xem, giúp người xem dễ dàng tiếp cận và hiểu biết sâu hơn về giá trị của di sản, hiện vật trưng bày. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp bảo tàng trở thành điểm du lịch lý tưởng, qua đó, có thể hợp tác với các doanh nghiệp du lịch lữ hành để phát triển kinh tế".

Ứng dụng công nghệ số: "phương tiện" để thu hút công chúng đến với bảo tàng - Ảnh 2.

Hình ảnh trong tương tác ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Cũng theo ông Nguyễn Anh Minh, những năm gần đây, nhờ vào việc tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật cũng ứng dụng công nghệ số vào công tác truyền thông hiện đại trên không gian mạng mà lượng khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua đã tăng 200-300% so với những năm trước đây. "Đây thật sự là một hướng đi mới và hiệu quả trên chặng đường phát triển của bảo tàng trong thời gian gần đây" – ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công – tư

Qua đó, có thể thấy, đứng trước nhu cầu phải đổi mới để thu hút khách tham quan, các bảo tàng buộc phải thích ứng với thời cuộc, đa dạng hình thức giới thiệu hiện vật và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết, theo đó, hiện nay vẫn chưa có những cơ chế chính sách, quy định cụ thể nên việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ứng dụng công nghệ số: "phương tiện" để thu hút công chúng đến với bảo tàng - Ảnh 3.

Không gian triển lãm trực tuyến VAES của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Minh cho biết: "Khó khăn lớn nhất khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của bảo tàng đó chính là con người và tài chính. Bởi, hiện nay, trong đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của bảo tàng thiếu hẳn cán bộ có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin nên không thể tự xây dựng được các sản phẩm liên quan đến công nghệ. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ cũng rất tốn kém. Ví dụ như sử dụng công nghệ 3D mapping, riêng một máy chiếu đã tốn hàng tỷ đồng chưa kể đến việc thiết kế sản phẩm, thông thường các bảo tàng sẽ không đủ kinh phí để thực hiện. Vì vậy, các bảo tàng thường phải kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài để cùng thực hiện các dự án".

"Thế nhưng, đến nay, Nhà nước vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng. Do đó, các dự án xã hội hóa chưa có nhiều, và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, mang tính bền vững" – ông Nguyễn Anh Minh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Minh, thêm một khó khăn nữa, khi ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng sẽ gặp phải, đó chính là công nghệ dễ bị lạc hậu, vậy nên cần phải liên tục cải tiến cập nhật công nghệ mới. Trong khi đó, nguồn nhân lực của bảo tàng chưa đủ đáp ứng được vẫn cần phải hợp tác với các doanh nghiệp có nguồn lực công nghệ chất lượng cao. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng là một thách thức đối với các bảo tàng hiện nay.

Ứng dụng công nghệ số: "phương tiện" để thu hút công chúng đến với bảo tàng - Ảnh 4.

Khách tham quan trải nghiệm triển lãm số sử dụng màn hình tương tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Để giải quyết được những khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng góp phần thú hút công chúng hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Minh cho rằng: "Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số. Bởi khi có những cơ chế, chính sách, các bảo tàng sẽ có cơ hội lựa chọn được nhiều đối tác phù hợp, chất lượng hơn, trước hết có đủ năng lực tài chính mạnh để có thể đồng hành với bảo tàng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, có khả năng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ trên thế giới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng.

Cùng với đó, các bảo tàng cũng phải chú trọng trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn để có thể vận hành kỹ thuật tốt sau khi được chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong quá trình xây dựng các nội dung trưng bày để khi ứng dụng công nghệ vào sẽ tạo nên sự hấp dẫn hơn với du khách"../.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ