(Tổ Quốc) - Trước thực trạng sao chép các công trình nghiên cứu khoa học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hay các bài luận trong giáo dục đại học, chúng ta cần quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng dụng CNTT để giảm thiểu việc "ăn cắp" bản quyền, đặc biệt là trong môi trường số.
Hàng trăm website hỗ trợ làm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ
Không khó để có thể tìm được các địa chỉ cung cấp dịch vụ làm luận văn, luận án… trên mạng Internet. Chỉ cần gõ cụm từ liên quan như Luận văn thạc sĩ, Luận án tiến sĩ lên Google sẽ có kết quả trả về là hàng trăm website hỗ trợ. Với các cụm từ tìm kiếm chi tiết hơn, chẳng hạn "luận văn thạc sĩ kinh tế" sẽ cho ra hơn 600.000 kết quả trong chưa đầy 1 giây.
Các địa chỉ trang web như: tailieu.vn, luanvanthacsi.edu.vn, luanvancaohoc.com, luanvan.net.vn, luanvanhay.org, luanvanviet.com… xuất hiện đầy trên mạng.
Truy cập vào các website này, người có nhu cầu sẽ tìm được đầy đủ tư liệu để làm luận văn, luận án. Tất nhiên là có cả những lời mời chào với số tiền tương ứng theo "phân hạng" công trình nghiên cứu mà người "mua" cần là sẽ được đáp ứng.
Những lời mời chào hấp dẫn như: Nhận viết hộ luận văn - lựa chọn số 1: Giá tốt, uy tín; Viết luận văn thuê uy tín - hoàn toàn bảo mật; hay 1001 Đề tài luận văn thạc sĩ kinh tế chọn lọc… chỉ đợi người có nhu cầu cần giúp đỡ là đội ngũ tư vấn viên sẽ nhiệt tình nhanh chóng tiếp cận.
Thậm chí, các trang này còn hiện lời chào mời "Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm trong viết luận văn, luận án, khóa luận tốt nghiệp. Bạn cần đến dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để giúp hoàn thành những bài luận đúng deadline?" nghĩa là có hẳn dịch vụ hoàn thành luận văn cho khách hàng.
Ông Đặng Đình Long, CEO Aibiz, tại Hội thảo Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản, đề cập đến việc sao chép luận văn liên quan đến trường hợp từng gặp. "Trong một bài nghiên cứu của một tác giả có 4 khổ thì tới 3 khổ là cóp từ nghiên cứu của người khác, hoặc trong báo cáo có sử dụng tài liệu đã xuất bản nhưng lại không trích dẫn nguồn.
Luận án Tiến sĩ đã bảo vệ xong, có 151 trang thì 56 trang lấy nguyên báo cáo và bài báo của tổ chức quốc tế đã xuất bản rồi", ông Long cho hay và tỏ ra hoài nghi, "Những trường hợp này khiến chúng tôi rất khó xử bởi ngoài tác giả luận văn còn có các GS hướng dẫn, chả nhẽ những người này không biết (?!)".
"Đành tự nhủ những gì mình viết ra mà có người khác "ăn cắp" chứng tỏ nó còn giá trị. Tâm lý này cũng là tâm lý của nhiều tác giả chứ không chỉ riêng chúng tôi", ông Long phân trần, nhưng thực tế này cũng nói lên rằng, ngay cả trong ý thức, quyền tài sản của bản thân các tác giả cũng chưa cao.
Tiếp cận việc sao chép trong các công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy ở một khía cạnh khác, đại diện một NXB của một trường đại học cho biết, trong trường đại học này, có trường hợp các giảng viên trong quá trình xây dựng bài giảng có sử dụng tài liệu đã xuất bản, có trích dẫn nguồn. Tuy nhiên, sau đó họ tập hợp các bài giảng thành tài liệu giảng dạy thì không biết sẽ được sử dụng bao nhiêu % tài liệu gốc để không vi phạm luật bản quyền. Hay việc sao chép, trích dẫn lại các luận văn, luận án đã được bảo vệ của các thầy cô giáo vào giáo trình giảng dạy thì được quy định như thế nào? Các tác giả vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết để làm sao vừa đúng luật, lại không vi phạm các quy định về bản quyền.
Giải pháp để hạn chế việc sao chép
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), quy định của pháp luật về bản quyền, tác giả có thể sử dụng thông tin, tư liệu đã công bố trong tác phẩm của mình, tuy nhiên phải đảm bảo 3 yêu cầu: dẫn chiếu nguồn gốc, xuất xứ; chỉ được sử dụng để minh họa; và nội dung minh họa không được trở thành nội dung chính của tác phẩm.
Đối với luận án tiến sĩ, để giải quyết một cách thấu đáo, đầy đủ nhất việc sao chép các nội dung trong các bản luận án thì trong hệ thống giáo dục, ngoài những quy định về bản quyền cần tham chiếu những hướng dẫn trong quy chế của nhà trường, trong đó có những quy định hướng dẫn sử dụng tài liệu trong luận án, ông Hùng cho hay.
Theo tìm hiểu, tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có quy định kiểm soát sự trùng lặp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ rất cụ thể. Trong đó, đối với quy định cho phép trùng lặp tối đa 30% (không tính tỉ lệ trùng lặp của công thức toán học và hình ảnh); số lượng quét tối đa 3 lần đối với mỗi sản phẩm học thuật; tất cả các sản phẩm học thuật do Trường kiểm soát sự trùng lặp và cấp giấy chứng nhận khi tỉ lệ trùng lặp từ dưới 30%.
Chi phí cho việc kiểm tra tính trung thực của các Luận án tiến sĩ, chuyên đề, luận văn thạc sĩ… tại Trường từ 100.000-1.000.000 đồng/lượt quét.
Để làm được việc này, Nhà trường đã xây dựng hệ thống dữ liệu và khi các nghiên cứu sinh, học viên có nhu cầu kiểm tra khối lượng nội dung "sao chép" trong công trình của mình thì sẽ được Nhà trường hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận.
Hiện tại, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát việc sao chép trong các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ… là giải pháp hữu hiệu. Theo ông Đặng Đình Long, "đây là giải pháp hoàn toàn khả thi, vấn đề là khối lượng dữ liệu của chúng ta có như thế nào. Dựa trên nền tảng big data thì có thể làm được nhiều việc lớn".
Nếu đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể lọc ra các dữ liệu và nhanh chóng đối chiếu với các bản lưu chiểu của các cơ quan. Các đơn vị trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được việc đối chiếu text, thậm chí là đối chiếu âm thanh, hình ảnh…
Trong quá trình sử dụng, người nào thấy nghi ngờ đoạn văn bản nào đó là sao chép thì có thể nhúng vào dữ liệu để kiểm tra, từ đó giảm được nạn "ăn cắp" dữ liệu. Như vậy, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, biện pháp này cũng góp phần nâng cao trình độ dân trí khi ứng dụng các kết quả khoa học kỹ thuật.
Được biết, giải pháp này được các đơn vị nước ngoài thực hiện triển khai từ nhiều năm nay để nâng cao chất lượng giáo dục. Tất cả các luận án được nộp lưu chiểu và đưa vào một hệ thống chung. Nhà nước có quy định bao nhiêu % sao chép là hợp lý, nếu quá thì sẽ không được cấp bằng.
Trước thực trạng sao chép các công trình nghiên cứu khoa học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hay các bài luận trong giáo dục đại học, chúng ta cần quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng dụng CNTT để giảm thiểu việc "ăn cắp" bản quyền, đặc biệt là trong môi trường số. Nếu việc này được triển khai tốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ góp phần cải thiện được chất lượng giáo dục.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!