• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn di sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ

22/07/2018 12:36

(Cinet) – Thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành địa phương tiên phong của khu vực Tây Nam Bộ áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn.

(Cinet) – Thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành địa phương tiên phong của khu vực Tây Nam Bộ áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn.

Văn hóa chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Lan Anh

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành phố Cần Thơ hiện có hơn 100 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 2 trong di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng và Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy. Một số di sản khác cũng khẳng định được vị thế, làm nên bản sắc Cần Thơ như Hò Cần Thơ, Lễ Tống Phong của người Việt ở Cần Thơ, Lẩu mắm Cần Thơ... Những di sản này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, trở thành tài nguyên phát triển du lịch quý báu.

Tuy nhiên, cũng theo Sở VHTTDL việc bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ở Cần Thơ hiện nay chưa tương xứng với những giá trị gốc rễ của di sản. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương.

Trong tình hình đó, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) TP Cần Thơ đến năm 2020 ra đời thực sự là cú hích trong bảo tồn DSVHPVT trên địa bàn. Theo đó, Thành phố chủ trương đến năm 2020 thực hiện bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa dân gian thông qua các chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản và hỗ trợ, khuyến khích phát triển các câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại mỗi địa phương nhằm giữ gìn và nhân rộng những giá trị này trong sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ lồng ghép trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Cần Thơ những tiết mục về nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa nhằm quảng bá di sản văn hóa Cần Thơ, đồng thời kết hợp giáo dục truyền thống cho những người trẻ tuổi.

Đồng thời, Thành phố sẽ thực hiện đầu tư cho công tác kiểm kê hệ thống di sản và nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản để quản lý và xây dựng chiến lược khai thác một cách bài bản; trong đó, chú ý đến quy mô, mức độ và thời điểm khai thác, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho trùng tu, bảo tồn di sản, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản.

Đặc biệt, Thành phố đặt mục tiêu trở thành địa phương tiên phong của khu vực Tây Nam Bộ áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn di sản văn hóa: điều tra, ghi nhận thực tế bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại các phong tục, tập quán, lễ hội hoặc những hình thái phi vật thể có nguy cơ mai một để làm cơ sở bảo lưu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống số hóa và phổ biến những thông tin về di sản trên mạng internet nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản và trách nhiệm trong bảo lưu giá trị truyền thống.

Lan Phạm (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ