(Tổ Quốc) - Unilever Việt Nam bị đề nghị truy thu liên quan tới khoản thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp mở rộng đầu tư 2009 - 2013.
Nguồn: VietnamFinance
Tranh luận tại phiên làm việc của Quốc hội về dự Luật Quản lý thuế ngày 15/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập Unilever như một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu.
Ông cho biết, sau khi phát hành báo cáo kiểm toán với đánh giá Unilever Việt Nam khai thiếu thuế, doanh nghiệp này kiện lên Thủ tướng và Uỷ ban Tài chính, ngân sách. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại và xác định doanh nghiệp khai thiếu 584 tỷ đồng. Theo ông Phớc, doanh nghiệp đã chấp nhận số liệu Kiểm toán Nhà nước đưa ra, nhưng đề nghị không phải nộp khoản phạt chậm nộp. "Vấn đề có chịu phạt hay không là do Tổng cục thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được", ông Phớc nói.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện ngành thuế và chính doanh nghiệp đều cho biết, Unilever Việt Nam vẫn chưa chấp thuận con số nói trên dù các bên đã trao đổi qua lại và làm việc nhiều lần.
"Việc xác định con số nợ thuế xuất phát từ vướng mắc trong tính toán số thuế ưu đãi được hưởng bao nhiêu do đơn vị mở rộng đầu tư 2009 - 2013, không liên quan đến vấn đề chuyển giá", đại diện Tổng cục Thuế khẳng định khi nhắc tới sự việc này. Ban đầu, Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu thêm 882 tỷ đồng, sau đó phía doanh nghiệp có ý kiến. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã cùng cơ quan thuế làm việc, xác định lại số thuế truy thu khoảng 580 tỷ.
Đại diện Cục Thuế TP HCM cũng cho biết, đã ra quyết định truy thu thuế với Công ty Unilever Việt Nam nhưng Unilever vẫn chưa chấp thuận nên Cục thuế đang tiếp tục phối hợp với kiểm toán để làm việc với doanh nghiệp.
Về phía Unilever Việt Nam, doanh nghiệp này phủ nhận chuyện khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Trần Vũ Hoài - Phó chủ tịch Phát triển bền vững và đối ngoại - Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cho biết, vướng mắc chủ yếu liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2009 - 2013 do có sự khác biệt trong Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trước giai đoạn 2014. "Sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn đến có sự hiểu khác nhau, cũng như gây nên bất cập trong thực hiện thực tế của doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền", ông Hoài nói với VnExpress.
Unilever Việt Nam đã giải trình, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước để tìm ra giải pháp thỏa đáng trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế. Ông Hoài cũng cho rằng, Unilever Việt Nam không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp phải vấn đề này.
Khẳng định luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhằm tìm giải pháp chung, lãnh đạo Unilever Việt Nam cho biết, hiện vấn đề được Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, xem xét xử lý vướng mắc của doanh nghiệp trên tinh thần bảo đảm thực hiện nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật. Gần nhất, giữa tháng 11/2018, Tổng cục Thuế cho hay, đã có công văn đốc thúc, yêu cầu Cục Thuế TP HCM phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam làm việc với kiểm toán, giải quyết vướng mắc này.