• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ươm mầm tài năng nghệ thuật Ca trù

15/11/2016 10:00

(Cinet) - Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 đã khép lại nhưng dư âm của cuộc thi vẫn còn đọng lại nguyên vẹn với mỗi người trân quý âm nhạc dân tộc. Đó là một tín hiệu vui khi ca trù, bộ môn nghệ thuật kén người hát, kén người hưởng thụ lại được giới trẻ Hà Thành đón nhận và phát triển.

(Cinet) - Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 đã khép lại nhưng dư âm của cuộc thi vẫn còn đọng lại nguyên vẹn với mỗi người trân quý âm nhạc dân tộc. Đó là một tín hiệu vui khi ca trù, bộ môn nghệ thuật kén người hát, kén người hưởng thụ lại được giới trẻ Hà Thành đón nhận và phát triển.



Ca trù xuất hiện từ thế kỷ 14 -15, nhưng suốt 50 năm sau kể từ khi miền Bắc được giải phóng ca trù gần như bị thất truyền. Mãi cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, ca trù mới được những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm lại. Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó, ca trù đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của người dân, khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo, quý báu mà cha ông để lại cũng như báo động về sự mai một của ca trù.

Phần trình diễn của thí sinh CLB ca trù Lỗ Khê



Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà tơ, hát ả đào với nhiều hình thức diễn xướng. Sau 50 năm bị chôn vùi trong mặc cảm, giờ đây ca trù may mắn được lớp trẻ đón nhận. Rất nhiều người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ nhân đã và đang tìm cách gây dựng lại thanh thế của ca trù như trước kia với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng nghệ sĩ thực hành trình diễn di sản, sự trẻ hóa của lực lượng các nghệ sĩ biểu diễn. Gần đây nhất, trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014, những màn biểu diễn của nhiều em nhỏ dưới 15 tuổi, thậm chí 4 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả, đồng thời, giúp những người yêu mến ca trù thêm tin tưởng vào sự phát triển của ca trù trong tương lai.



Nhằm góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khấn cấp, đồng thời gìn giữ cho thế hệ mai sau một di sản độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, Sở VHTT Hà Nội đã và luôn đồng hành cùng các cấp, các ngành, các nghệ nhân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này và Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 là một trong những hoạt động đó.



Đây là lần thứ 3, Sở VHTT tổ chức Liên hoan ca trù trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, tại Hà Nội, tổng số các CLB ca trù còn hoạt động là 14 CLB và nhóm ca trù, như: CLB Ca trù Tranh Thôn, Phú Thị, Đồng Chữ, Lỗ Khê, Ngãi Cầu, Phượng Mỗ, Thái Hà, Thăng Long, UNESCO...

Ông Trương Minh Tiến trao giải cho ca nương xuất sắc tại liên  hoan. Ảnh: KMS



Thông qua liên hoan, chúng tôi mong muốn khích lệ, động viên, tôn vinh những người thực hành ca trù ở cơ sở. Chúng tôi hy vọng thông qua hoạt động này, các nghệ nhân, các câu lạc bộ ca trù sẽ tăng cường công tác truyền dạy để công tác thực hành ca trù ở cơ sở phát triển và phát hiện ra được những tài năng trẻ trong lĩnh vực. Đây cũng là một trong những cam kết của Chính phủ khi trình UNESCO công nhận Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định.



Điểm đặc biệt của Liên hoan năm nay là sự giới hạn về độ tuổi cũng như sự chú trọng đến hoạt động thực hành, truyền dạy ca trù ở cơ sở. Ông Trương Minh Tiến cũng cho biết, ca trù là loại hình văn hóa phi vật thể rất có giá trị. Tuy nhiên, bộ môn ca trù lại mang tính bác học và kén người học, kén người nghe, vì vậy ca trù đòi hỏi sự quan tâm, truyền dạy, thực hành từ cơ sở, và tiến hành các biện pháp bảo tồn thì mới có thể lưu truyền được.



Bên cạnh đó, Liên hoan còn góp phần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá ca trù tới đông đảo các thành phần quần chúng nhân dân, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trên địa bàn Hà Nội.



Tham dự Liên hoan năm nay, BTC đã nhận được đăng ký của 10 CLB ca trù với 71 tiết mục, trong đó có 62 thí sinh dự thi hát múa tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng, 10 thí sinh đăng ký dự thi đào nương và kép đàn xuất sắc nhất.



Thí sinh tham dự Liên hoan trong độ tuổi từ 6 – 30 là những tài năng trẻ đến từ các Câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn Thành phố hoặc sinh hoạt tự do biết đàn giỏi, hát hay, múa khéo các thể cách cơ bản, kinh điển. Đặc biệt, thí sinh lớn tuổi nhất tham dự liên hoan 29 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất mới chỉ 7 tuổi. Có 22 thí sinh là Đào nương và Kép đàn trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi, chiếm 62.85%; có 13/35 thí sinh là Đào nương và Kép đàn trong độ tuổi từ 16-30 tuổi, chiếm 37,14%.



Tham gia chấm giải tại Liên hoan là hội đồng giám khảo uy tín, tâm huyết với nghệ thuật ca trù bao gồm: GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam là chủ tịch Hội đồng. Các thành viên tham gia Hội đồng: nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - Hội nhạc sĩ Việt Nam, người đã chủ trì báo cáo hồ sơ ca trù đệ trình UNESCO năm 2009; Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; NSƯT Nguyễn Văn Khuê – Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng và TS. Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng quản lý di sản, Sở VHTT Hà  Nội.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan trao giải nhất cho các thi sinh (phải). Ảnh: KMS



Ban tổ chức cho biết, khoảng thời gian thi dù ngắn (từ 11-13/11/2016) nhưng hết sức giá trị để công chúng hiểu hơn các hoạt động thực hành, truyền dạy ở cơ sở. Những tài năng ấy thật đáng quý trong bối cảnh ngành Văn hóa đang nỗ lực đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Nội dung của liên hoan đã bám sát tình hình hoạt động của các CLB ca trù trên địa bàn TP Hà Nội, tạo điều kiện để các tài năng thể hiện khả năng, giao lưu, học hỏi chuyên môn giữa các CLB, đẩy mạnh hoạt động bảo tồn thực hành di sản.



Liên hoan đã tìm ra các đào nương, kép đàn xuất sắc nhất, ngoài việc hát hay, đàn giỏi các thể cách cơ bản còn nắm giữ các thể cách ca trù kinh điển và khó, được BGK lựa chọn qua việc bốc thăm hát thêm một số thể cách bất kỳ.

Cô bé Nguyễn Thục Trinh (07 tuổi)  đến từ câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê , thí sinh nhỏ tuổi nhất tham dự 

Liên hoan năm nay. 



GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan đánh giá Liên hoan năm nay có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng nghệ thuật. Đối tượng tham gia Liên hoan đông và được trẻ hóa. "Sự xuất hiện của các ca nương nhí là nỗi vui mừng lớn của những người luôn đau đáu bảo tồn nghề. Nhiều em nhỏ từ chỗ đến với ca trù khi không biết ca trù là gì, tuy nhiên rất vui các thí sinh đã trình bày nhuần nhuyễn và tự tin. Các thí sinh đều đi vào quỹ đạo, hát có thể chưa hay nhưng đã đúng. Dù còn non nớt nhưng đây là thành tựu mà chỉ mấy năm chúng ta đã làm được. Liên hoan là chứng cớ khẳng định, ca trù đã sống dậy và đang được giới trẻ đón chờ với tinh thần đầy trách nhiệm và đam mê” – GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết.



Để lại ấn tượng sâu đậm với BGK và khán giả có lẽ là giọng ca của cô bé Nguyễn Thục Trinh đến từ câu lạc

Kết quả: 2 giải Tài năng xuất sắc thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thảo (giáo phường Ca trù Thái Hà) và Đinh Thị Vân (giáo phường Ca trù Lỗ Khê);

4 giải A thuộc về thí sinh Đoàn Linh Hương (CLB Ca trù Thăng Long), Nguyễn An Khánh (giáo phường Ca trù Thái Hà), Vũ Thị Thùy Linh (nhóm Ca trù Phú Thị), Hoàng An Thái Phượng (giáo phường Ca trù Thái Hà). Giải A tập thể thuộc về CLB Ca trù Thăng Long.

Giải Thí sinh trẻ tuổi nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Thục Trinh 7 tuổi (CLB Ca trù Lỗ Khê).

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 4 giải B cá nhân, 1 giải B tập thể và 8 giải Khuyến khích

bộ ca trù Lỗ Khê. Dù còn nhỏ tuổi nhưng em đã thể hiện những làn điệu ca trù rất chuẩn mực với cách luyến láy, nhả chữ và nhịp phách điêu luyện và trở thành một trong những tài năng trẻ nổi bật của Liên hoan năm nay. Không thể tin cô bé mới 7 tuổi và là thí sinh nhỏ tuổi nhất tại liên hoan.



Theo ông Trương Minh Tiến, ca trù đang có một thế hệ tiếp nối dù chưa đạt tới độ hùng hậu nhưng rõ ràng cũng tạo ra những tín hiệu tích cực trong tương lai.



Ông cũng cho rằng, ca trù cần nhiều hơn các gương mặt trẻ tài năng và nắm giữ các thể cách ca trù kinh điển và khó. Liên hoan năm nay đã phần nào động viên, bồi dưỡng các gương mặt trẻ yêu bộ môn nghệ thuật này, khích lệ các em dấn thân nhiều hơn để học hỏi và tiếp thu nét tinh hoa của ca trù, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.



Khép lại một liên hoan thành công với nhiều làn điệu cổ, kỹ thuật cao được các ca nương, kép đàn tập trung ở độ tuổi 7 đến 15 và 16 đến 29 thể hiện khá nhuần nhuyễn đã phần nào cho thấy, nghệ thuật ca trù ở Hà Nội đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, và từng bước được thế hệ trẻ đón nhận. Nhân rộng những điển hình ca trù như vậy trên cả nước sẽ góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tương lai không xa./.



Gia Linh
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ