(Tổ Quốc) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyen Quang vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.
Thời điểm nhập viện, cả hai bệnh nhân Đ.Đ.L và T.N.T (cùng trú xã Tràng Đà, TP.Tuyên Quang) đều trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, vật vã, da tái nhợ, có cơn ngừng thở kéo dài.
Qua khai thác thông tin từ người nhà, các bác sĩ xác định hai bệnh nhân này bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.
Bác sĩ Đào Ngọc Việt – Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK Tuyên Quang cho biết, sau khi hai bệnh nhân này nhập viện, kíp trực đã đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, sốc điện cấp cứu…Hiện tại, hai bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân Đ.Đ.L cho biết, gia đình có ngâm một bình rượu ấu tàu được hơn 1 năm. Do có người bạn đến chơi đến đã lấy rượu ra để cùng ăn sáng. Khi uống xong được khoảng 15 phút thì bắt đầu cảm thấy tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo, củ ấu tẩu, ấu tàu (hay gọi là ấu tàu) là rễ của cây ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A. Sau khi được bào chế cẩn thận cũng là một vị thuốc quý.
Theo đông y, củ ấu tàu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc.
Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu ấu tẩu, người nhà cần xửa trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bằng cách gây nôn ngay, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện để xử trí kịp thời điều trị. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
Các bác sĩ khuyến cáo, vì củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong.