(Tổ Quốc) - Đây là nội dung đáng chú ý trong Quyết định số 2299/QÐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW.
Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, do vậy, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số là việc ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các dân tộc thiểu số rất ít người.
Trong đó, tập trung thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành các chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao năng lực cho người tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và thôn, bản. Tăng cường các hoạt động thông tin về cơ sở; xây dựng và phát triển đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ dân gian, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Tổ chức và hướng dẫn triển khai xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
Tập trung phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại các địa phương…
Phát huy thế mạnh như thế nào?
Theo các chuyên gia, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt có thế mạnh về du lịch cộng đồng.
Được biết, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Dự án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Dự án này sẽ ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các DTTS có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các DTTS rất ít người; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS…
Tuy vậy, muốn lưu giữ bản sắc văn hóa một cách bền vững, cần gắn bản sắc văn hóa vào đời sống cộng đồng một cách sâu sắc. Các đơn vị, tổ chức cần tính toán cả về đầu ra của sản phẩm, cùng phương án tự vận hành sau khi Dự án kết thúc.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cần vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở cộng đồng.
Đồng quan điểm này, TS. Trần Hữu Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, trong việc bảo tồn văn hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân là yếu tố quyết định, vì đồng bào chính là chủ nhân của di sản. Tuy nhiên, để bảo tồn văn hóa truyền thống của một dân tộc, bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh. Có nghĩa là, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Chỉ khi truyền thống văn hóa thực sự gắn với đời sống của đồng bào, thì dòng chảy văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc mới có thể lưu truyền bền vững.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng liên tục ban hành các quyết định liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa dân tộc như: Kế hoạch xây dựng Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030;" tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc Cơ Tu (tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam); tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mạ ở vùng di dân tái định cư thủy điện huyện Đắk G'long tỉnh Đắk Nông; xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên…