• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ưu tiên đầu tư cho điểm nhấn du lịch Tây Bắc

Du lịch 21/05/2014 22:55

(Toquoc)- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tập trung Quy hoạch và ưu tiên đầu tư các khu du lịch quốc gia.

(Toquoc)- Để đạt được mục tiêu nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tập trung Quy hoạch và ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, đặc biệt đối với 12 khu và 4 điểm, coi đây là điểm nhấn của du lịch Tây Bắc.

Cụ thể, 12 khu bao gồm: Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Tân Trào (Tuyên Quang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Sa Pa (Lào Cai), Thác Bà (Yên Bái), Đền Hùng (Phú Thọ), Điện Biên Phủ-Bá Khoang (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình) và 4 điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong quy hoạch, bao gồm: Thành phố Lào Cai, thành phố Lạng Sơn, Pắc Pó (Cao Bằng), Mai Châu (Hòa Bình).





Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 12 khu du lịch quốc gia vùng Tây Bắc được ưu tiên phát triển (Ảnh: Internet)

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh liên kết công tư đầu tư phát triển du lịch; có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông vận tải, khách sạn, hạ tầng du lịch và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác phục vụ du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư chiến lược và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động kết nối du lịch với nước ngoài, tận dụng lợi thế của vùng Tây Bắc sát thị trường du lịch các nước lân cận, nhất là tuyến du lịch quan trọng.

Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, liên vùng trong thực hiện quy hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, gắn kết giữa các hình thức du lịch văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch hướng về lịch sử, cách mạng, du lịch mua sắm thương mại cửa khẩu…

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương để góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

Phó Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao hàng năm tổ chức các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Tây Bắc gắn với đầu tư phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong vùng Tây Bắc và liên kết giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành phố, các vùng trong cả nước để hợp tác, đầu tư phát triển du lịch.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL và Ban chỉ đạo Tây Bắc có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành khác nghiên cứu, xây dựng các đề án nhằm phát triển du lịch Tây Bắc một cách bền vững, hiệu quả./.

Hồng Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ