Để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 29/10, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3, cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch.
Cầu Nhật Tân và đường dẫn phía quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình của thế giới. Kết quả này có một phần đóng góp quan trọng của quy hoạch.
Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ nhằm phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và môi trường. Cùng với đó, quy hoạch là căn cứ chủ yếu để các cấp, các ngành định hướng mục tiêu phát triển theo ngành, lãnh thổ; là cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi; quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành. Đồng thời, việc quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới đã làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, việc ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Dự thảo Luật quy hoạch được thiết kế gồm sáu chương với 67 điều. Luật quy hoạch sẽ hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển; là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch, tuy nhiên cho rằng cần chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và làm rõ thêm một số điều, khoản cho phù hợp. Trong đó, góp ý về giải thích từ ngữ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng dự thảo Luật quy hoạch trình ra lần này đã có sự thay đổi tương đối nhiều và nhiều nội dung được chuẩn bị tốt hơn.
Tuy nhiên, việc giải thích từ ngữ về quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia... chưa rõ ràng, còn chồng chéo và không tạo được một sự logic đối với những vấn đề cần thể hiện trong nguyên tắc, chính sách, các quy trình quy hoạch.
Đại biểu ví dụ dự thảo Luật nêu: "Quy hoạch là định hướng phân bổ không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho thời kỳ dài hạn trên lãnh thổ xác định." Khái niệm này vừa nội hàm, vừa mục tiêu nhưng không đúng theo khái niệm quy hoạch trong quản lý nhà nước.
Quy hoạch trong quản lý nhà nước có hẳn một khái niệm riêng. Trong đó, đầu tiên phải xác định quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước-một nguyên tắc rất quan trọng trong quy hoạch. Từ phân tích đó, đại biểu đề nghị nên sử dụng khái niệm quy hoạch như sau: "Quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước; là định hướng, sắp xếp, phân bổ không gian các nguồn lực phát triển của quốc gia trong một ngành hoặc địa phương, vùng lãnh thổ." Khái niệm như thế sẽ bao quát được hết các vấn đề liên quan đến khái niệm chung về quy hoạch.
Cũng cho rằng giải thích từ ngữ trong dự án Luật quy hoạch chưa được thể hiện rõ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần giải thích quy hoạch như trong Từ điển bách khoa. Đó là quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Như vậy, vừa áp dụng cho quy hoạch chung, vừa áp dụng cho quy hoạch vùng, ngành, tỉnh.
Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào các nội dung khác của dự án Luật quy hoạch như kinh phí cho hoạch động quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, các hành vi bị cấm...
Chiều nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ thẩm tra, cho ý kiến về các dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư./.