(Tổ Quốc) - Ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Ủy ban sẽ quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng giá trị tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty. Cơ quan này thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp; tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
SCIC sẽ thuộc sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. (Nguồn: Vneconomy). |
Theo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ quan này gồm 9 đơn vị trực thuộc; trong đó có 4 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý doanh nghiệp chia theo ngành, lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, hạ tầng và các đơn vị tham mưu, hỗ trợ.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội từng chia sẻ rằng, khi lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý lượng vốn lớn của các Tập đoàn của Nhà nước, mục đích đặt ra là khắc phục tình trạng “vừa đá vừa thổi còi”. Mục đích tiếp theo là làm sao quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Các chuyên gia e ngại thành công của Uỷ ban, nhưng tôi cho rằng cái gì cũng phải làm mới thành công như một số nước Singapore, Trung Quốc…đã làm tốt. Còn nếu ngồi đó sợ thì khó, do đó việc lập đơn vị thống nhất quản lý sẽ hợp lý hơn việc nhiều bộ trường làm tốt, không ngại”.
Với quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 2/2018, lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Nhưng từ đó đến nay là khoảng thời gian hoàn thiện cơ sở pháp lý cho ủy ban này hoạt động./.
Hà Giang