• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động

Thời sự 30/09/2018 10:50

(Tổ Quốc) - Trong 8 tháng qua, Tổ công tác với thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban để đưa cơ quan trực thuộc Chính phủ này sớm đi vào hoạt động.

Lễ công bố Quyết định thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo Chính phủ đưa tin, sau hơn 8 tháng thành lập, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chuẩn bị những công việc cần thiết để sẵn sàng đi vào hoạt động, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 DNNN từ tháng 10/2018.

Sau nhiều năm thảo luận, bàn bạc về việc thành lập Cơ quan đại diện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vào tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng (Tổ công tác số 66). Sang đầu tháng 2/2018, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Uỷ ban này và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng làm Chủ tịch Uỷ ban, Tổ phó Thường trực Tổ công tác số 66.

Trong 8 tháng qua, Tổ công tác với thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban để đưa cơ quan trực thuộc Chính phủ này sớm đi vào hoạt động.

Kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của Uỷ ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cho biết mô hình hoạt động của Uỷ ban như hiện nay nhận được sự quan tâm, ủng hộ  của Đảng, Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và cả các tư vấn độc lập như Ngân hàng Thế giới, PNB Paribas (Cộng hoà Pháp),... nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Uỷ ban sẽ góp phần tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu, phân bổ lại hợp lý nguồn lực của nhà nước theo cơ chế thị trường, nhằm tối đa hoá hiệu quả sử dụng cho nền kinh tế quốc dân.

Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về Uỷ ban này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp hơn 2,3 triệu tỷ đồng, ước tương đương với khoảng 30% tổng giá trị tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Vi Phong (T/h)

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ