• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thời sự 14/08/2024 19:23

(Tổ Quốc) - Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã tiếp thu hết sức cầu thị

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo và đến nay rất mừng không còn ý kiến nào khác nhau. Với 9 chương, 101 điều, Chú tịch Quốc hội cho rằng ít có luật nào sau một kỳ họp tiếp thu, giải trình mà 2 cơ quan đạt được sự đồng thuận và sự phối hợp rất chặt chẽ như thế này.

"Tôi thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thực hiện tốt từ Luật Điện ảnh, tôi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thường trực lãnh đạo Bộ ngồi rất nhiều lần, hết sức hoan nghênh đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp nghe từ các hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc, tiếp thu hết sức cầu thị" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung 10 chính sách lớn của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát chính sách của Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Cần quy định rõ chính sách tại Luật Di sản văn hóa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Về các chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, Điều 90 dự thảo luật quy định các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được hưởng các ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan lưu ý trong quá trình cụ thể hóa luật rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong dự thảo luật có khoảng hơn 30 điều khoản có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Như vậy, những nội dung giao cho Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết cũng khá lớn. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết theo hướng cụ thể đến mức tối đa trong dự thảo luật để đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những gì có thể quy định trong luật thì quy định ngay để khi các luật có hiệu lực thi hành triển khai được ngay.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được ý kiến tại Hội nghị đại biểu chuyên trách sắp tới, dự kiến diễn ra từ ngày 28, 29, 30/8 để các đại biểu chuyên trách sẽ thảo luận. Vì vậy cần tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.

"Cần thiết khi đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận xong thì chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh để gửi cho các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Chính luật này khi triển khai thực hiện thì địa phương 63 tỉnh, thành phố sẽ đồng loạt thực hiện. Tôi biết ngành văn hóa, thể thao, du lịch, chính quyền các địa phương mong muốn luật này được sửa đổi và có hiệu lực để trùng tu di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, các di sản văn hóa để quản lý làm sao đi vào bài bản, khai thác được" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Cần nghiên cứu chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai

Phát biểu tại phiên họp, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật. Báo cáo đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội với 30 trang, nhiều nội dung đã được tiếp thu trong dự thảo lần này hoặc giải trình làm rõ trong dự thảo báo cáo. Các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia, các cấp quản lý, đặc biệt là ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cũng đã được tiếp thu cơ bản chi tiết, đầy đủ.

Các nội dung đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn của Quốc hội thông qua thể chế, chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Về chính sách dân tộc trong dự thảo luật.

"Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo đã cơ bản tiếp thu ý kiến của Hội đồng Dân tộc tại Báo cáo 1512 ngày 9/4/2024 tham gia thẩm tra dự thảo luật. Như vậy, chính sách dân tộc có liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã cơ bản được đảm bảo trong dự thảo luật" - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 122 ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 7 về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, ông Bùi Văn Cường cho rằng, cần phải nghiên cứu để có một chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai, đây là điều cũng cần phải nghiên cứu để tính toán trong luật này.

"Như các tác phẩm điện ảnh, một số bộ phim nhựa chúng ta sản xuất trong những năm chiến tranh cũng như các di sản, di vật của lãnh tụ, của dòng họ, v.v. có thể sẽ trở thành di sản văn hóa trong tương lai" - ông Bùi Văn Cường lấy ví dụ và cho rằng, để giữ gìn, bảo vệ, quản lý hiệu quả các di sản văn hóa tiềm năng này thì dự thảo Luật Di sản văn hóa cần nghiên cứu để có quy định về trách nhiệm phát hiện, xác định, lựa chọn các di sản tiềm năng, trên cơ sở đó các di sản văn hóa tiềm năng này sẽ được nghiên cứu, xem xét để bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của Nhà nước. Nhà nước sẽ có chính sách cũng như có trách nhiệm hỗ trợ để phát hiện, bảo tồn, sử dụng các di sản văn hóa này.

"Nếu chúng ta không phát hiện sớm, không có đánh giá, không nghiên cứu để có hội đồng thẩm định quy định việc này thì sau này theo thời gian nó mất đi muốn khôi phục hoặc muốn bảo tồn sẽ không có" - ông Bùi Văn Cường nói.

Hạn chế đến mức thấp nhất cơ chế xin-cho

Phát biểu giải trình tiếp thu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của các đại biểu. Giải trình từng vấn đề cụ thể, đối với việc phân cấp, Bộ trưởng cho biết, những gì được thực tiễn kiểm nghiệm đã rõ, đã chín thì đưa vào luật. Việc gì lượng hóa được bằng luật đã được cơ quan soạn thảo đưa vào để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình tại phiên họp

"Chúng tôi phân cấp triệt để, không muốn giữ ở Bộ, hạn chế đến mức thấp nhất cơ chế xin-cho. Chúng tôi chỉ giữ những phân cấp nào phải quản lý, xếp hạng còn ở dưới địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm" - Bộ trưởng nói.

Tiếp đó, Bộ trưởng cũng giải trình cụ thể một số ý kiến về vấn đề xây dựng để cải tạo, sửa chữa, Điều 28, Điều 29; bảo tàng; thanh tra; bảo tồn các văn hóa dân tộc...

Bộ trưởng cho biết thêm, trong 122 ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, không có một ý kiến nào mà cơ quan soạn thảo không nghiên cứu và không có một ý kiến nào không được tiếp thu. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng tiếp thu một cách tối đa, cầu thì vì đây là trí tuệ của toàn Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có những vấn đề vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng từ nay cho đến trước Kỳ họp thứ 8 để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), sớm có báo cáo đến Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo luật, các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định.

Cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo luật được các cơ quan báo cáo kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Bộ VHTTDL, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp hoàn thiện thêm để trình hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8./.

Thế Công

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ