• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp xem xét quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải

Thời sự 16/06/2020 09:51

(Tổ Quốc) - Hôm nay (16/6), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể để xem xét các nội dung liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.

Theo chương trình làm việc, phiên họp của Ủy ban Tư pháp bắt đầu từ 8h sáng nay, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Gần 40 thành viên của Ủy ban Tư pháp có phiên họp riêng trong khi Quốc hội vẫn thực hiện chương trình làm việc theo lịch trình.

Phiên họp của UB Tư pháp được tổ chức ngay sau phiên thảo luận kéo dài 2 ngày tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội. 

Trong 2 ngày làm việc này, có rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tranh luận về vụ án Hồ Duy Hải, tập trung vào việc giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm của TAND tối cao hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Theo thông tin, phiên họp này không mời báo chí tham dự.

Được biết, phiên họp hôm nay nhằm xem xét tính đúng đắn, phù hợp với pháp luật của quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Khi xem xét quyết định giám đốc thẩm này sẽ xem xét toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm. Sau cuộc họp này, kết quả sẽ được Ủy ban Tư pháp tham mưu, báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Cũng theo thông tin của PV, cuộc họp hôm nay là cuộc họp nội bộ của Ủy ban Tư pháp, không mời các cơ quan tư pháp gồm công an, Viện Kiểm sát, tòa án.

Về lý do mở phiên họp toàn thể, theo tìm hiểu của PV, sau khi có quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải thì mẹ của bị án là bà Nguyễn Thị Loan có đơn kiến nghị, đồng thời một số ĐBQH như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp toàn thể.

Bên cạnh đó, do có yêu cầu của cấp trên và dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp nên cơ quan này tổ chức phiên họp toàn thể để xem xét về quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.

Trước đó, báo cáo Quốc hội trong phần cuối phiên thảo luận ngày hôm qua, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai nhận tội đầu tiên là tự viết ra, không phải là bản cung kiểu hỏi và đáp.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội.

Khi nhận kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Hải đã nhận tội đúng như kết luận; khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định cáo trạng là đúng; khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tuyên án tử hình), gửi đơn cho Chủ tịch nước xin ân giảm thì Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hồ Duy Hải.

Cũng theo Chánh án, vụ án xảy ra từ năm 2008, đã trải qua tố tụng nhiều cấp, được liên ngành thẩm định. Đoàn giám sát án oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ việc.

Như thông tin được Chánh án nêu, Đoàn giá sát án oan sai năm 2015 của Quốc hội khi đó do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga là Phó Trưởng đoàn. UB Tư pháp của Quốc hội, theo đó, đã từng tham gia, theo dõi vụ án trong thời gian dài.

Trước đó vào chiều 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã công bố Quyết định Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.

Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là đúng, Hồ Duy Hải "không oan sai". Do đó Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao kết luận bác kháng nghị, giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Điều 404 của Bộ luật Hình sự về Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ