(Tổ Quốc) -Sáng 5/7, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tới Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG) khảo sát về việc thực hiện Luật Thể dục Thể thao (TDTT).
Đây là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị cho dự án sửa đổi, bổ sung Luật TDTT.
Không có chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”
Theo Phó Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Việt Tiến, đây là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ VHTTDL được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy. Khu LHTTQG có chức năng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế; các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, phục vụ tập luyện các đội tuyển Quốc gia; nơi đào tạo vận động viên và tổ chức các hoạt động dịch vụ khác.
Hiện Khu LHTTQG đang quản lý 170 ha đất với 2 công trình gồm công trình sân vận động Trung tâm và Cung Thể thao dưới nước. Trong những năm qua Khu LHTTQG đã phối hợp với các Bộ, ban ngành của Trung ương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết cùng Đoàn công tác tại buổi làm việc. Ảnh: Thái Linh |
Ngoài ra, Khu LHTTQG còn phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao và các đơn vị tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế thu hút hàng vạn lượt khán giả tới xem các trận thi đấu bóng đá, các giải điền kinh, bơi lội… Các hoạt động thể thao quần chúng cũng được đẩy mạnh…
Sau 5 năm thực hiện công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy, nguồn thu của đơn vị tăng lên hàng năm với mức 47 tỷ đồng năm 2016 và dự kiến hơn 50 tỷ năm 2017. Hàng năm, đơn vị tự chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa từ 15-17 tỷ đồng.
Giải thích thêm về hoạt động có thu, Giám đốc Khu LHTTQG Cấn Văn Nghĩa cho hay, trong 170ha thì thực tế Khu LHTTQG mới sử dụng vài chục ha, còn lại là đang được giao quản lý trên quy hoạch. Nguồn thu chủ yếu từ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thu ở các loại hình liên doanh, liên kết trên phần đất xen kẹt đã được Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL xem xét, đồng ý. Các dịch vụ liên doanh, liên kết vừa đóng thuế cho nhà nước, vừa chia lợi nhuận về Khu LHTTQG.
“Tôi cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính sẽ giúp cho việc bảo vệ tài sản của nhà nước tốt hơn. Cán bộ, công nhân viên có thái độ làm việc hăng say, phấn đấu miệt mài với chế độ đãi ngộ tốt; không có chuyện “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, chây ì”- Giám đốc Cấn Văn Nghĩa chia sẻ.
Đề xuất đẩy mạnh xã hội hóa cả ở thể thao quần chúng và thành tích cao
Giám đốc Khu LHTTQG Cấn Văn Nghĩa cho hay, hiện nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động thể thao rất thấp, nhiều chỗ bị bỏ rơi.
“Xu thế phát triển hiện nay là xã hội hóa các hoạt động là phù hợp. Nên trong lĩnh vực thể thao quần chúng, lần sửa này, Luật TDTT cần quan tâm. Luật cần đi sâu vào thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, là chỗ dựa cho thể thao dành cho mọi người phát triển”- Giám đốc Cấn Văn Nghĩa cho biết.
Và nếu muốn huy động xã hội hóa vào lĩnh vực này thì Luật cần tạo ra cơ chế như thuê đất, thuế như thế nào. “Tại Trung Quốc, những nội dung này là miễn hết cho doanh nghiệp. Sau đó lấy dịch vụ tại các khu đó thu bù lại” – Ông Cấn Văn Nghĩa cho hay.
Khán giả tới sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trong một trận bóng đá. Sân vận động này hiện đang do Khu LHTTQG khai thác, quản lý. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
Về thể thao thành tích cao, vị Giám đốc này đề xuất chỉ nên giữ lại sân vận động Quốc gia và hai trung tâm đào tạo vận động viên: Nhổn (Hà Nội) và TP HCM, tập trung đầu tư trọng điểm vào đây để có những vận động viên thành tích cao. Tại đây, sẽ chỉ tập trung các vận động viên về tập luyện trước các kỳ đại hội như ASIAD, SEA Games…
Đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật TDTT, ông Cấn Văn Nghĩa cũng đề xuất cần coi trọng các tổ chức như liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các tỉnh. Do chúng ta không có tiền ngân sách đầu tư mà để các liên đoàn, hiệp hội thể thao làm. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và quản lý để các tổ chức đó kêu gọi xã hội hóa.
“Chúng ta không thể ôm đồm và không giải quyết được mà thể thao còn đi xuống. Tôi thấy Thái Lan đang là mô hình rõ nhất, nhà nước không lấy tiền thuê đất, xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp vào chăm sóc cho các vận động viên, đầu tư cơ sở vật chất…” – ông Cấn Văn Nghĩa nêu và đưa ra ví dụ hiện ở Việt Nam mô hình của Bầu Đức với Hoàng Anh Gia Lai và Bầu Hiển với T&T đang có những hiệu quả bước đầu.
“Do vậy, tôi đề nghị tập trung xã hội hóa vào cơ sở vật chất cho thể thao cả ở Trung ương và các tỉnh, thành. ĐIều này sẽ khiến cho thể thao thay đổi trong vòng 10-15 năm tới. Đây là xu thế tất yếu”- ông Cấn Văn Nghĩa cho hay.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết thay mặt Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Khu LHTTQG thời gian qua và nếu không có cơ chế này, chỉ dùng ngân sách để duy tu, bảo dưỡng thì Khu LHTTQG sẽ xuống cấp hơn.
Nhất trí cao với các ý kiến của Giám đốc Khu LHTTQG, ông Nguyễn Văn Tuyết cũng đề nghị, lãnh đạo Khu LHTTQG bổ sung các nội dung trên trong báo cáo gửi Ủy ban.
“Các ý kiến cần bổ sung vào báo cáo của Khu LHTTQG và kèm với đó là đề xuất các cơ chế chính sách được thể hiện trong luật như thế nào, để Đại biểu Quốc hội có thông tin khi dự thảo Luật TDTT đưa ra Quốc hội. Khi luật được thông qua sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống”- Ông Nguyễn Văn Tuyết cho biết.
Được biết, chuẩn bị cho dự án sửa đổi, bổ sung Luật TDTT, Đoàn công tác đã làm việc tại Phú Thọ, Hải Phòng, Cần Thơ, An Giang và các địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Sắp tới, Ủy ban sẽ tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến rộng rãi tại ba nơi: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM./.
Song Đào