• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Và một ngày sông nhuộm màu mắt biếc

17/06/2013 17:42

(Toquoc)- Trong tiếng thở phành phạch của chiếc máy 25 sức ngựa, con thuyền không mái của một chủ đò chuyên làm nghề khai thác thủy sản trên sông Nhật Lệ “đẩy” chúng tôi lên dòng Long Đại.



(Toquoc)- Trong tiếng thở phành phạch của chiếc máy 25 sức ngựa, con thuyền không mái của một chủ đò chuyên làm nghề khai thác thủy sản trên sông Nhật Lệ “đẩy” chúng tôi lên dòng Long Đại. Em, nước da màu thủy tinh ngồi tựa mạn thuyền. Em soi vào sông hay sông trôi ra từ mắt em? Tôi không phân định được, vì tôi thấy mắt em biêng biếc màu trời, màu nước, màu mây, không âu lo và hằn học. Tôi cũng thấy đáy sông sâu, dáng hình em ướp bởi vô vàn tinh thể trong veo vĩnh hằng. Theo nguồn ánh sáng của những tia nắng hiếm hoi, lọt vào tôi cung sắc xanh biến ảo của núi. Núi lô xô úp vú ven sông xanh ngằn ngặt thảm rừng lá kim đang mùa thắp nến. Núi tím ngắt sóng soài mệt nhoài xõa tóc như người đàn bà no tình rút hết huyết khí một lần cho một đời. Núi lớp lớp chồm lên như bầy ngựa chiến bạc phếch gió sương của đại quân Tây Sơn Nguyễn Huệ từ kinh thành Thăng Long trở về Phú Xuân. Có khi núi như kẻ chết khát xanh rớt nhoài mình ra mép sông liếm láp chút ẩm ướt tứa ra dọc biền bãi… Tôi dập dềnh trên sông tha hồ ám tưởng, hận một lẽ không còn tuổi trẻ để làm người tình bé nhỏ và yếu mềm diễn khúc ái tình sông- núi. Chỉ thấy mình khô rốc khi trôi trên sông. Người đời nói rằng đói khó mà chết nhưng khát chết rất nhanh. Có lẽ tôi sẽ chết vì khát khi con thuyền cứ đẩy chúng tôi lên mãi trên dòng sông si mê này. Em ngồi bên tôi lòng đã thấy nản bởi cứ trôi mãi trên cái thảm xanh đơn điệu và êm ru. Gương mặt trong veo thấp thoáng u sầu. Tôi bảo em hãy dùng ánh mắt sục sạo của kẻ đang yêu nhìn sâu xuống đáy sông, hút vào trời rộng, luồn lách qua mỗi tầng cây, cảm được sự sung sướng của đôi trâu đang yêu nhau trên bùn nhão và thấu suốt thăm thẳm cõi lòng sẽ thấy sắc màu lộng lẫy đất trời, sẽ nghe tiếng hát tự do gió và nước đang du dương vờn bay quanh em. Khi đó em sẽ được chiêm ngưỡng cái phóng túng của dòng sông.



Con sông càng lên thượng nguồn càng hẹp. Đến Bến Tiêm thì chiếc thuyền có nguy cơ mắc cạn, đành phải tấp vào bờ để quay xuống. Ngày trước cư dân từ miệt rừng Trường Sơn muốn về xuôi phải quá giang hai đận đò. Từ điểm chúng tôi tấp vào lên thượng nguồn phải dùng loại đò nhỏ, nhẹ. Ước vọng vượt những con thác giữa rừng, gặp lại những cái tên thác rất gợi: Tam Lu, Oong, Bờm, Rợng bằng thuyền nhôm của tôi phá sản. Cũng may đó là vị trí đẹp để người ta đặt một tổ công tác biên phòng. Tổ là ngôi nhà cấp bốn chơi vơi mép sông với sỹ quan Biên phòng - Thiếu tá Lê Thế Khỏe cắm chốt. Đang ăn cơm trưa với mấy nông phu phát rẫy, Lê Thế Khỏe bối rối khi mươi lăm con người ầm ầm ào ào leo dốc tập kích vào trạm mà không cần lời ngỏ ý. Thấy mấy tay săn ảnh lăm lăm chĩa ống kính vào mình, anh vội vàng từ chối “Không, không, tôi phải xin ý kiến chỉ huy. Đây là khu vực quân sự mà”. Chỉ sau khi nghe vị trưởng đoàn cho biết chúng tôi là những văn nghệ sỹ đi thực tế, tuyệt nhiên không hoạt động báo chí nên anh thoải mái hơn và nhất định mời tất cả cùng ăn cơm. Bữa trưa tại Bến Tiêm đầy ấn tượng. Một chút chất cay đồng bào dân tộc Vân Kiều biếu bộ đội, cơm gạo rẫy, vài con cá mát cất được dưới sông không màu mè hoa lá cùng ít rau rừng luộc nhưng có sức cám dỗ vô cùng lớn đối với những kẻ ê hề thịt thà từ phố lên. Tất cả ăn rất tự tin. Trong bữa, Lê Thế Khỏe cho biết tổ công tác của anh thuộc đồn Biên phòng Làng Mô, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tổ có 3 chiến sỹ trực. Hôm nay 2 người nhận lệnh về đồn. Khỏe ở lại. May mấy bác trong xã ra phát rẫy trồng rừng, lại thêm anh em văn nghệ ghé thăm nên vui hẳn. Khu dân cư gần vị trí tổ cắm chốt nhất nằm phía bên kia sông, chỉ mất mấy phút chạy thuyền. Đó là cụm ba bản lẻ, cách xa trung tâm xã, cũng mang những cái tên rất ấn tượng: Nước Đắng, Hôi Rấy, Mút. Chúng tôi ngồi trên khoảng sân nhỏ, phía dưới dòng sông ngái ngủ ngừng trôi. Nghe bảo ngày trước, dòng sông là con đường huyết mạch nối xã miền núi Trường Sơn với huyện lỵ Quảng Ninh. Dòng sông đông vui nhộn nhịp ra trò. Tổ công tác Biên phòng Bến Tiêm ra đời với mục đích quản lý các phương tiện tàu thuyền lưu thông trên tuyến đường thủy độc đạo này. Những người lái thuyền đưa khách từ bến đò Hiền Ninh lên Trường Sơn có thu nhập rất khá nhờ vận chuyển người và hàng hóa ngược xuôi. Năm 2007, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông và nhánh tây nối liền, thương lái dưới huyện lên, dân cư trên núi xuống chủ yếu đi đường bộ, xe máy uốn rất lụa trên những khúc của tay áo đường 10, đường 11, quên lãng dòng sông, tổ công tác cũng thưa vắng khách thăm. Thời buổi con người chạy đua với thời gian, không ai hơi sức đâu nhởn nhơ cùng dòng sông như chúng tôi.

Lê Thế Khỏe người vùng đồng chiêm Lệ Thủy. Một thuở lặn ngụp trên dòng Kiến Giang nên anh rành sông nước. Lế Thế Khỏe cho biết anh vừa mới được điều động từ đồn biên phòng Nhật Lệ lên đây. Ở dưới xuôi cưỡi ca nô cao tốc vút trên mặt biển, thấy chật. Lên đây chạy thuyền cole mỏng mảnh như chiếc lá tre trên thượng nguồn Long Đại, thấy cô liêu hoang vắng. Anh cười, tâm trạng thay đổi do môi trường nhưng tâm thế thì ở môi trường nào cũng vậy. Bộ đội mà, như màu quân phục, như màu cây, như màu nước, mãi mãi một màu xanh. Trong cuộc sống đa sắc, đa diện hôm nay, tôi đặc biệt cảm tình với thời trang bộ đội nên nghe thổ lộ của Khỏe, tôi sán vào bắt chuyện ngay. Khỏe tuổi Dậu, Kỷ dậu. Anh hỏi tôi “Tuổi gì”. Tôi cười “Cũng Dậu”. Anh hỏi “Cuộc đời thế nào”. Tôi cười “Không lận đận chết liền”. Khỏe lại hỏi “Chạy quanh?” Tôi đáp: “Chạy quanh toàn tập!”. Anh không nói gì thêm, ngoảnh nhìn ra sông vắng. Tôi phá vỡ sự im lặng cục bộ giữa tôi và Khỏe bằng cách a dua uống rượu với những người xung quanh.

Hành trình ngược Long Đại của chúng tôi đến Bến Tiêm thì kết thúc. Không có con thuyền nào sẵn sàng phục vụ cho sở thích phiêu diêu mây nước của chúng tôi. Tất cả đành “nuốt hận” trở về. Trưa vắng! Dòng sông lặng ngắt và biếc xanh. Trong thinh không chỉ có một cánh chim lẻ bóng vút qua. Dưới nắng, cánh chim trắng ngời lên như một tia sáng cô liêu. Hình như sợ rằng không lâu nữa sẽ khó tìm lại không gian hiền hòa giữa cuộc sống muôn vàn âm sắc cung bậc, tất cả những người trên thuyền đang tự nhấn chìm mình vào cảm thức mê ngủ giữa ban ngày, cô lập bản thể để tự chiêm ngắm khoảnh khắc trác tuyệt của lặng im. Quả vậy, đoạn qua xã Trường Xuân, giữa dòng trôi những bè hút cát sạn của tư nhân đã bắt đầu hoạt động. Tiếng động cơ của dàn máy hút gầm lên trong không gian trưa vắng kéo phắt tất cả trở về hiện thực trần trụi. Những dàn bè với máy móc cóc cáy tồn tại giữa sông như thứ tỳ vết ngự trị kệch cỡm và phi nhân tính trên một dung nhan lóng lánh mỹ miều. Vùng nước đỏ đọc bức bối cuốn xoáy quanh đó cho tôi cảm giác dòng sông đang bị cắt tiết. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian coi sông Long Đại là dòng mạch truyền thống của quê hương ngao ngán thốt lên: Họ đang rút ruột dòng sông!

Màu xanh và không gian thanh vắng của sông Long Đại ám ảnh tôi. Để rồi không cưỡng được khát vọng một lần nhìn thấy cội rễ của dòng sông này, tôi đã chấp nhận vật vã hơn 3 tiếng đồng hồ trên chiếc xe công vụ của Đoàn quốc phòng 79- Binh đoàn 15, vượt qua những cú vòng vèo đường rừng chốn thâm sơn cùng cốc. Trồi lên. Trụt xuống. Hai bên đường rừng thâm u, mây cọ đan dày. Trong những cú đổ dốc chóng mắt, tôi nhận ra đường vào Trường Sơn có đến 3 cầu Long Đại: Long Đại Đông, Long Đại, Long Đại Tây. Và mạch nguồn của dòng sông hoành tráng là con nước nhỏ xíu đặc quánh đất núi chảy ngoằn ngoèo dưới tán rừng nguyên sinh xanh um thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Con nước buồn hiu cô đơn và tội nghiệp này đã sinh ra một dòng sông ngời ngời sức vóc. Sự đối lập của mạch nguồn và dáng vóc dòng sông đã tạo sự va đập cực mạnh vào ý thức tôi. Đi trên con đường vắt vẻo qua mây tìm gặp dòng suối mẹ, tôi đã thấy những đứa trẻ hôi mù và khét cháy đèo bòng nhau đi trong cơn gió lạnh hun hút cuối đông. Gió mưa quết dẻo tóc non, cứng queo và dính bết vào da đầu cho tôi nhớ lại buổi thơ ngây đứng nhìn ngoại quết phân trâu với bùn non đắp cho mỗi liếp nhà. Lũ trẻ không biết những suy nghĩ của tôi, hồn nhiên đuổi bắt những con lợn thả rông dưới sàn nhà và lân la nhìn ngó. Những đứa trẻ và những con lợn con nơi đầu nguồn Long Đại hấp dẫn tôi còn chúng nhìn tôi như nhìn một cá thể lạ chứ không ý thức sự khác biệt thân phận. Ánh mắt của chúng không cho thấy sự tả tơi trên thân thể là sự khổ ải đáng thương. Tôi cúi xuống ôm lấy một đứa và nhìn rất sâu vào mắt, đó là đôi mắt thăm thẳm đại ngàn. Chợt nghĩ hình như dòng suối mẹ dưới thung sâu đang chảy ra từ đôi mắt này./.

Tùy bút của Trương Thu Hiền

NỔI BẬT TRANG CHỦ