• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vắc xin Sinopharm hiệu quả thế nào? Đối tượng nào hoãn tiêm và không nên tiêm?

Sức khỏe 12/08/2021 06:51

(Tổ Quốc) - Vắc xin phòng Covid-19 Sinopharm đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp. Loại vắc xin này được khuyến cáo dùng cho nhóm tuổi từ 18 tuổi trở lên.

Đối tượng không nên tiêm vắc xin Sinopharm

Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng (SAGE) của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) đã đưa ra những khuyến cáo về việc sử dụng vắc xin bất hoạt Covid-19 BIBP do Sinopharm/Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc phát triển.

Cụ thể, SAGE đánh giá kỹ lưỡng số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu lực của vắc xin này và khuyến cáo sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đối với nhóm trên 60 tuổi, các quốc gia cân nhắc sử dụng vắc xin này và cần chủ động duy trì việc theo dõi tính an toàn.

Về hiệu quả của vắc xin, theo SAGE, thử nghiệm giai đoạn 3 đa quốc gia cho thấy, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ hai liều (khoảng cách giữa hai liều là 21 ngày) vắc xin có hiệu quả 79% phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng. Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện là 79%.

WHO lưu ý dù đã tiêm vắc xin vẫn phải duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: đeo khẩu trang, giãn cách, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt.

Vắc xin Sinopharm hiệu quả thế nào? Đối tượng nào hoãn tiêm và không nên tiêm?  - Ảnh 1.

Nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên cần chủ động duy trì việc theo dõi tính an toàn, ảnh Minh Trí.

WHO cũng khuyến cáo 2 nhóm đối tượng không nên tiêm vắc xin Sinopharm:

- Các cá nhân có tiền sử sốc phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc xin không nên được tiêm.

- Bất cứ ai có thân nhiệt trên 38,5ºC cần hoãn tiêm chủng cho tới khi hết sốt.

Đối tượng hoãn tiêm vắc xin Sinopharm

TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết thêm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhóm trì hoãn tiêm vắc xin Sinopharm là:

- Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được;

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù;

- Hoặc người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị;

- Người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng;

- Chống chỉ định tiêm cho người có tiền sử phản vệ từ độ hai trở lên với bất kỳ dị nguyên nào;

- Hoặc người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất dị ứng các thành phần của vắc xin.

[Đọc thêm về đối tượng không nên tiêm vắc xin Moderna và đối tượng không nên tiêm vắc xin Pfizer tại đây]

Phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Sinopharm

Phản ứng sau tiêm vắc xin Sinopharm hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn. Trong đó, các phản ứng tại chỗ tiêm rất phổ biến là đau, số ít người tiêm bị đỏ, sưng, cứng, ngứa.

Phản ứng toàn thân rất phổ biến là đau đầu. Phản ứng phổ biến là sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa.

Các phản ứng không phổ biến là chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm.

Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra là hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, cúm, đau chân tay, đánh trống ngực; đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai; khó chịu, nổi hạch.

Những phản ứng sau tiêm rất hiếm gặp là: ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý; chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản; viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt; đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.

Riêng về phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin Sinopharm hiện chưa đủ thông tin để ước tính.

Theo TS BS. Nguyễn Huy Luân, không có khuyến cáo tiêm trộn vắc xin Sinopharm với các loại vắc xin phòng Coid-19 khác như: AstraZeneca, Pfizer, Moderna.

Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vắc xin Sinopharm với vắc xin phòng Covid-19 khác. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm đủ hai liều vắc xin Sinopharm. Nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cách tối thiểu 14 ngày với tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh khác.

MỜI ĐỘC GIẢ GỬI CÂU HỎI CHO CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN

Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, Việt Nam đang hết sức tăng tốc để phủ vaccine nhanh nhất. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 9/8, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn quốc là gần 10 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 8.984.300 liều, tiêm mũi 2 là 1.003.287 liều. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam gọi đây là một "chiến dịch tiêm chủng chưa từng có".

Về phía người dân, rất nhiều người vui mừng vì có cơ hội tiếp cận vaccine COVID-19. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ lo lắng về những tác dụng phụ vaccine COVID-19.

Để giải đáp những băn khoăn của người dân về độ an toàn của vaccine COVID-19, chúng tôi tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến có tên gọi AN TOÀN KHI TIÊM VACCINE COVID-19: SỨC KHOẺ YẾU, BỆNH NỀN, DỊ ỨNG CÓ NÊN TIÊM? phát sóng trên page Soha.vn và web Soha.vn.

Chuyên gia khách mời: TS. BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị Tiêm chủng BV Đại học Y dược TP HCM.

Độc giả có câu hỏi gửi đến cho chương trình, xin gửi câu hỏi TẠI ĐÂY.

Ngọc Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ