• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vạch sẵn mục tiêu cuộc sống, là nhìn xa trông rộng hay tự rước cho mình muôn vàn những lo lắng?

Kinh tế 16/03/2020 06:35

(Tổ Quốc) - Nhiều người thích tự vạch ra cho mình những mục tiêu, kế hoạch thật rõ ràng, chi tiết cho từng hành động, công việc sắp tới, nhưng đôi khi điều đó lại vô tình trở thành “kẻ thù” đẩy ta vào vô vàn những lo lắng.

Tự đề ra mục tiêu cho bản thân, tự vạch sẵn những đường đi, nước bước thật hoàn hảo để nhanh chóng đạt được mục tiêu đó. Thoáng nghe qua thì có vẻ như đây là một người thật biết nhìn xa trông rộng và sống có nguyên tắc rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạo lập nên những kế hoạch, vạch ra những thành tựu, mục tiêu trong đầu sẽ chỉ khiến bản thân ngày càng trở nên lo lắng và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở cách mà chúng ta thực hiện từng bước đi dẫn tới mục tiêu của mình.

Những thay đổi trong cuộc sống luôn làm cho chúng ta cảm thấy căng thẳng, cho dù đó là những thay đổi tích cực hay tiêu cực. Ví dụ như khi bắt đầu một công việc mới, bạn sẽ phải tìm cách tạo lập những mối quan hệ mới, làm quen với môi trường mới và thậm chí là phải thay đổi phong cách làm việc mới. Dù ít hay nhiều, thỉnh thoảng chắc chắn chúng ta sẽ tự hỏi bản thân rằng hôm nay mình sẽ làm gì, đồng nghiệp mới liệu sẽ thích mình chứ, làm thế nào để nhanh thích nghi với công việc? Hàng tá những điều nhỏ nhặt đó đôi khi chính là nguyên nhân khiến cho ta cảm thấy lo lắng và căng thẳng.

Và mức độ lo lắng của từng mục tiêu chắc chắn cũng sẽ khác nhau rất nhiều. Việc bạn mua căn hộ lần đầu tiên ắt hẳn sẽ hồi hộp và căng thẳng hơn rất nhiều so với việc mua căn nhà thứ hai. Cả hai đều là mục tiêu nhưng lại tạo ra cảm giác khác nhau do áp lực trách nhiệm mà bạn đang đảm nhận vốn dĩ cũng đã khác nhau. Ai cũng có rất nhiều thứ muốn làm, muốn đạt được trong cuộc sống, và ta lại phải căng đầu lên để tìm đường đi nước bước hoàn hảo nhất để đạt được điều đó, vậy là lo lắng lại ập tới.

Vạch sẵn mục tiêu cuộc sống, là nhìn xa trông rộng hay tự rước cho mình muôn vàn những lo lắng? - Ảnh 1.

Bộ não của chúng ta không thể nói lên sự khác biệt giữa những thứ chúng ta muốn và những thứ chúng ta có

Khi bạn tự đặt mục tiêu cho mình, tự vẽ ra kế hoạch chi tiết để thực hiện, rồi sau đó thất bại hoặc đạt được rồi lại để vụt mất. Khi đó, bộ não sẽ phản ứng như thể bạn đã đánh mất đi một phần giá trị nào đó vốn dĩ thuộc về mình. Tâm trí chúng ta thực chất không hiểu rằng đây chỉ là thứ mình muốn chứ không phải là thứ mà mình đang có.

Và đó cũng chính là nguyên nhân gây nên cảm giác lo lắng khi đặt cho mình quá nhiều mục tiêu. Vì giữa vô vàn những thứ mình muốn làm, muốn đạt được thì sẽ có không ít điều bạn không thể thực hiện, vậy là bản thân sẽ liên tục rơi vào cảm giác thất bại, mất mát và dần dần cảm thấy chán chường, bất lực trước bản thân và cuộc sống. Càng đặt cho mình nhiều mục tiêu, tỉ lệ thất bại hay đi chệch hướng sẽ ngày càng tăng và tất nhiên kéo theo đó là cảm giác bất an, lo lắng sẽ đeo đẳng bạn càng lâu dài.

Chính vì vậy, thay vì mãi mơ mộng viển vông bằng những mục tiêu cao xa, bạn hãy thử thiết lập các mục tiêu thực tế hơn và cũng có thể chia chúng thành từng bước nhỏ để dễ dàng quản lý. Hãy tưởng tượng mục tiêu cuối cùng cũng chính là nấc thang cuối cùng, bây giờ hãy di chuyển xuống từng nấc một và đặt dấu chân của mình lên bậc thang thấp nhất và từ từ tiến lên phía trước.

Hãy tự đặt cho mình các mục tiêu mà bản thân có thể làm mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Bằng cách này, mỗi khi bạn đạt được một mục tiêu nhỏ, bạn sẽ có cảm giác thành công và thu về một nguồn năng lượng tích cực hơn để thực hiện tiếp các mục tiêu kế tiếp. Việc lập kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn như vậy sẽ giúp bạn dễ kiểm soát và bước từng bước đến mục tiêu cuối cùng vững chãi hơn.

Vạch sẵn mục tiêu cuộc sống, là nhìn xa trông rộng hay tự rước cho mình muôn vàn những lo lắng? - Ảnh 2.

Vậy làm thế nào để quản lý sự lo lắng mà vẫn có thể thiết lập mục tiêu thật hoàn hảo?

Có nhiều con đường mà ta có thể đi. Việc lo lắng không phải là nguyên nhân khiến ta phải ngừng đặt mục tiêu cho chính mình và sống một cuộc sống không có định hướng rõ ràng. Thay vào đó, hãy học cách đặt nền tảng vào thực tế phù hợp với từng thời điểm để hiểu rõ mục tiêu cụ thể nhất mình có thể làm và thực hiện là gì. Hãy từ từ thực hiện những bước ngoặt ở ngay trước mắt rồi hãy nhìn xa xa ra các mục tiêu lâu dài, điều này sẽ mang đến cho bạn cảm giác "hoàn thành", loại bỏ đi những căng thẳng, áp lực của việc lập kế hoạch cho chính mình.

Cách thức tốt nhất để giải quyết những lo lắng đó là cần học cách xác định nguồn gốc hình thành chúng là từ đâu. Nhiều người bảo rằng họ không biết vì sao mình lại lo lắng, do đó không thể nào điều khiển bản thân trở nên bình tĩnh được. Tuy nhiên, suy cho cùng, đa số những áp lực, lo lắng kia đều hình thành từ những mục tiêu do chính bạn hoặc người thân đang đặt ra cho mình. 

Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và bất lực trước những bậc thang xa vời đó thì hãy thử lùi lại một bước, nhìn nhận và xác định lại những bậc thang mà mình đã bỏ lỡ và thử đi lại từng bước một vững chãi ở những khoảng trống bạn đã bỏ qua. 

Suy cho cùng, việc đặt mục tiêu trong cuộc sống không phải là xấu, chỉ là bạn biết cách làm như thế nào để quản lý và thực hiện chúng, thay vì đi nhanh, hãy thử đi chậm và đi chắc để tiến tới mục tiêu phía trước mà không chút lo lắng hay áp lực nào.

Bảo Trân - Trí Thức Trẻ

NỔI BẬT TRANG CHỦ