(Tổ Quốc) - Càng đến gần Đại hội XIII của Đảng- một sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển vững bền của đất nước- càng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động, cơ hội thi nhau lợi dụng, tăng cường các hoạt động vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội.
Một trong những nội dung được các thế lực thù địch ra sức chống phá, xuyên tạc đó là phủ nhận công tác chống tham nhũng của Đảng và các cơ quan chức năng. Các thế lực chống phá không ngần ngại rêu rao, xuyên tạc mỗi khi Đảng và các cơ quan chức năng xử lý một vụ việc hay liên quan đến một vụ án tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ sai phạm, chúng sẵn sàng thêu dệt thành chuyện "thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị".
Không riêng gì Việt Nam, tham nhũng đã trở thành tệ nạn mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, dù theo chính thể nào. Trong lịch sử Đảng ta, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm". Trên báo Nhân dân, PGS, TS Đức Vượng cho biết thuật ngữ "tham ô", Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng lần đầu vào năm 1952, trong bài: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Văn kiện Ðại hội V của Ðảng (năm 1982), vẫn còn dùng thuật ngữ "tham ô". Từ Văn kiện Ðại hội VI (năm 1986), bắt đầu chuyển sang dùng thuật ngữ "tham nhũng" để thay cho thuật ngữ "tham ô".
Như vậy có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng để chú trọng phòng và đấu tranh chống lại tệ nạn nguy hiểm này. Đặc biệt là những nhiệm kỳ gần đây, việc đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng và hệ thống chính trị thể hiện rõ qua văn kiện Đại hội Đảng, qua các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng...
Và điều này tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 12/2020: Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng," "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng," một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng," một cơ chế để "không cần tham nhũng".
Với tinh thần lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo, nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong phòng chống tham nhũng và đạt được những kết quả bước đầu. Đơn cử như trong giai đoạn 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt 32,04%). Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; nhiều địa phương, bộ ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt".
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Những con số trên đây cho thấy những luận điệu rêu rao rằng: tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... đã bị phủ nhận, làm thất bại toan tính phủ nhận công cuộc chống tham nhũng hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Hay như với thủ đoạn "đánh lận", xuyên tạc biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện "thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị", bằng việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị rất cao là chính minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống nội xâm.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, do dự mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn". Tin rằng Đảng ta đã nói, đã làm và làm bằng được, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến trong thời gian tới.