(Toquoc)- Trong hơn 40 năm hoạt động văn học, Lại Nguyên Ân nổi lên trong tư cách nhà nghiên cứu, phê bình văn học, biên dịch thông tin lý luận chuyên nghiệp. Ông cầm bút viết phê bình, tiểu luận trên cả hai khu vực của văn học Việt Nam hiện đại và trung đại, có bài đăng đầu tiên từ năm 1972.
(Toquoc)- Trong hơn 40 năm hoạt động văn học, Lại Nguyên Ân nổi lên trong tư cách nhà nghiên cứu, phê bình văn học, biên dịch thông tin lý luận chuyên nghiệp. Ông cầm bút viết phê bình, tiểu luận trên cả hai khu vực của văn học Việt Nam hiện đại và trung đại, có bài đăng đầu tiên từ năm 1972.
Các tập tiểu luận phê bình của ông được xuất bản: Văn học và phê bình (1984); Sống với văn học cùng thời (1998); Đọc lại người trước, đọc lại người xưa (1998); Mênh mông chật chội (2009)… Gắn bó với đời sống văn học đương thời, ông xông xáo nhập cuộc, có tiếng nói kịp thời góp bàn từ góc độ học thuật và thực tiễn về một số vấn đề lý luận văn học đang đặt ra cho sáng tác văn xuôi và thơ trong và sau chiến tranh. Ông hào hứng phê bình những tác phẩm mới xuất bản của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình thành danh trước Cách mạng tháng 8 cần được đánh giá lại dưới góc nhìn đổi mới tư duy. Xa lạ với kiểu viết tư biện, kinh viện, ham trích dẫn sách vở này nọ, ông có lối viết thoáng hoạt, tự nhiên, bàn thẳng vào vấn đề đặt ra, gợi mở sự đối thoại cùng đồng nghiệp trong làng văn và người đọc có mối quan tâm.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
(ảnh: Internet)
Với vốn ngoại ngữ được nâng cao và tự hoàn chỉnh dần, ông tham gia biên dịch một số công trình lý luận văn học tiêu biểu của Nga - Xô viết đương thời (như Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực của B. Xuxkốp; Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người của M. Khrapchenkô; Dẫn luận nghiên cứu văn học do G. Pôxpelôp chủ biên; Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX của tập thể tác giả Nga…), từ đó nhập tâm tiếp nhận hướng nghiên cứu mới của lý luận văn học hiện đại thế giới. Ông bước đầu vận dụng chúng vào khảo sát đời sống các thể loại của văn học Việt Nam từ xưa đến nay, thu được những kết quả khả quan, được dư luận chú ý.
Những bài viết sắc sảo và có nhiều tìm tòi của ông tập trung bàn về: các thể tài chức năng, trước thuật và sáng tác nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam; Hệ thống thể loại trong văn học Việt Nam 1945-1985; diện mạo và các vấn đề của văn xuôi 1975-1985; đổi mới tư duy lý luận, phê bình văn học theo hướng hiện đại và cập nhật các khuynh hướng sáng tác mới; sự thay đổi vị thế của văn học trong thời đại văn hóa nghe nhìn lên ngôi, truyền thông kỹ thuật số đang phổ biến mạnh mẽ.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân Tên thật cũng là bút danh chính: Lại Nguyên Ân. Các bút danh khác: Vân Trang, Tam Vị, Ngân Uyên, Nghĩa Nguyên. Sinh ngày 18/01/1945. Quê quán: làng Phù Đạm, xã Phù Vân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968. Sau đó dạy học ở Trường văn hóa của Bộ Nội thương tại Ba Vì, Hà Tây từ 1970-1977. Rồi chuyển về Hà Nội, làm biên tập viên sách Lý luận - Phê bình văn học tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới, nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn, suốt 30 năm cho đến khi nghỉ hưu. |
Khoảng hơn 10 năm gần đây, Lại Nguyên Ân dành nhiều thời gian cho khoa văn bản học. Ông cho ra đời một loạt công trình sưu tập, hiệu đính văn bản các tác phẩm bị thất lạc, lãng quên hay còn tản mát hoặc đang tồn tại nhiều dị bản chưa quy về một mối. (Thơ mới 1932-1945- Tác gia và tác phẩm; Sưu tập trọn bộ Tạp chí “Tiên Phong” 1945-1946; Nghiên cứu, phê bình văn học của Lê Thanh; Các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi từ 1928-1931; Chống nạng lên đường và Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng… Qua đó ông lưu ý cách tiếp cận thực chứng, nghiêm túc đối với những tác phẩm của những tác giả đang dần dần trở thành kinh điển, đánh dấu một thời kỳ chưa xa của văn học Việt Nam bước đầu trên đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một mảng sách khác được Lại Nguyên Ân tâm huyết biên soạn là các loại sách công cụ, tra cứu, tích tụ những thông tin mới và hàm lượng kiến thức hiện đại của chuyên ngành. Ông biên soạn cuốn 150 thuật ngữ văn học, hơn 100 mục từ văn học Việt Nam cho cuốn Từ điển văn học đồ sộ do Đỗ Đức Hiểu chủ biên, tham gia biên soạn Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX… Các công trình này đã tích hợp được những kiến văn uyên bác của ông về văn học Việt Nam và về lý luận văn học, giúp người đọc có thêm những tài liệu tham khảo đáng tin cậy trên hành trình chiếm lĩnh những tri thức chuyên biệt về văn học.
Nguyễn Ngọc Thiện