(Tổ Quốc) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vai trò của Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan trọng trong việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 bởi Chính phủ đã giao cho Bộ chủ trì.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng là nỗ lực chưa từng có tiền lệ mang tính cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp trong cơn hoạn nạn, giúp họ chia sẻ bớt gánh nặng mưu sinh trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm kéo dài. Đến tời điểm này, những đối tượng đầu tiên đã nhận được tiền hỗ trợ.
Hôm 5/5, báo cáo việc triển khai thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2020 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung cho biết có 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỷ. Trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ; giải ngân 12.400 tỷ và cơ bản đến ngày 15/5 thì chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do mất việc. Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, chưa phát hiện và chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương.
Trước đó, để tiền hỗ trợ đến với người dân nhanh nhất có thể, ngày 24/4, Thủ tướng đã nhanh chóng ký Quyết định quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, cùng với các bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các bước để hàng triệu người dân sớm nhận được hỗ trợ.
Ngay sau đó, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng 8 bộ nhận diện toàn bộ hệ thống câu hỏi giải đáp triển khai gói an sinh xã hội; khởi động Chuyên trang giải đáp và tiếp nhận phản hồi ý kiến của nhân dân; đồng thời thiết lập công bố Tổng đài 111 tiếp nhận 24/24h những phản ánh cũng như ý kiến đóng góp của người dân. 6 số điện thoại nóng của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cũng như của Bộ LĐ-TB&XH, qua 5 ngày đã có hơn 46.000 lượt gọi tới, giải đáp tự động trên 12.000 người.
Là đơn vị tham mưu giúp Chính phủ đưa ra quyết sách về gói hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB& XH đã có những nghiên cứu và phân tích về hiện trạng, đánh giá về tác động của dịch bệnh đến hàng triệu người lao động và những người yếu thế trong xã hội.
Cụ thể, thời gian qua, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã tiến hành đánh giá, khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở rất nhiều đơn vị, nhiều cơ sở. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn, phần đông đã phải nghỉ việc.
Số liệu thống kê của Bộ cũng thể hiện, trong tháng 2 có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 2, tình trạng lao động mất việc làm nộp hồ sơ BHTN tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh, với 9.872 người (tăng 80,67% so với tháng trước và tăng 57,57% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là Bình Dương, với 3.835 người (tăng 22,2% so với tháng trước và tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước).
Nhóm doanh nghiệp có nhiều lao động mất việc làm là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lĩnh vực nhiều lao động mất việc làm tập trung ở ngành may mặc, giày da...
Tại Chương trình tọa đàm "Đối thoại - Vượt qua đại dịch: Quyết định chưa có tiền lệ" ngày 13/4, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chỉ trong quý I đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu tiếp tục đà dịch như thế này thì tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người nhưng nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ nên dẫn đến khoảng 3,5 - 4 triệu người.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của thường trực Chính phủ trong sáng 10/4, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định gói hỗ trợ nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước. Điều này đòi hỏi việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trong thời điểm này cần được ưu tiên và có tính cấp bách.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc triển khai số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất."Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi "lạc đường"…Trong phạm vi thẩm quyền, người đứng đầu ngành LĐ-TBXH khẳng định việc hỗ trợ sẽ hướng tới đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, việc triển khai hỗ trợ sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.
Chia sẻ về vai trò của Bộ LĐ-TB&XH, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo… Con số này là khoảng 15 triệu người trên tổng số 20 triệu người.
"Tại chính sách này, vai trò của Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan trọng vì Chính phủ giao cho Bộ chủ trì. Bên cạnh đó, đa số các đối tượng đều do Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn…", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.