• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID –19

Thời sự 09/09/2020 16:07

(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng AIPA-41, sáng nay (9/9), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chủ trì Phiên họp của Ủy ban Kinh tế AIPA 41 với chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID –19”.

Thúc đẩy đầu tư kinh doanh và thịnh vượng cho cả khu vực

Phát biểu chào mừng phiên họp của Uỷ ban Kinh tế AIPA 41, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của Khu vực.

Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID –19 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chào mừng phiên họp của Uỷ ban Kinh tế AIPA.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

“Tôi vui mừng nhận thấy, từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 đến nay, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và hi vọng rằng, trong thời gian tới, việc hội nhập này tiếp tục được phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp, nhấn mạnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng chưa từng có, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân, song theo đại diện Brunei, đây cũng cũng là  cơ hội để các nước ASEAN đoàn kết, thích ứng và có các biện pháp đối phó. Trong bối cảnh đó, AIPA cần hợp tác cùng nhau, thể hiện vai trò nghị viện nói chung, nghị sĩ nói riêng trong hỗ trợ ổn định nền kinh tế khu vực.

Đại diện Brunei cho rằng kế hoạch phục hồi cần ưu tiên sáng kiến giúp nhanh chóng vượt qua những ảnh hưởng. Trong đó nới lỏng đi lại trong khu vực để có thể làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nội khối. Cùng với đó phải quan tâm thúc đẩy môi trường công nghệ số, kinh doanh số.

“Chúng tôi ủng hộ nỗ lực không mệt mỏi của AIPA để ổn định nền kinh tế khu vực trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Không nước nào có thể vượt qua đại dịch COVID-19 một mình. ASEAN cần nỗ lực duy trì tự cường và các nghị sĩ đoàn kết đóng vai trò tích cực” – đại diện Brunei nhấn mạnh.

Đại diện Singapore lưu ý, phạm vi khủng khiếp và sức tàn phá rất lớn của COVID-19 không chỉ làm nhiều người thiệt mạng mà còn khiến đời sống của hàng triệu người dân gặp khó khăn.

“Do đó chúng ta phải có biện pháp vùng lên và trở nên mạnh mẽ hơn sau đại dịch” – nghị sĩ Singapore nhấn mạnh và cho rằng trong cuộc chiến trước đại dịch mỗi nước có thể có biện pháp khác nhau để giải quyết khó khăn, song từ đó cũng có thể học hỏi lẫn nhau cũng như tìm ra các biện pháp hiệu quả khác.

 Chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi đối với cộng đồng ASEAN

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam cho rằng, chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi đối với cộng đồng ASEAN.

Giải pháp tiếp theo được ông Tiến nhắc tới đó là nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Một giải pháp khác được nhắc tới đó là, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Công và các tiểu vùng khác của ASEAN.

Đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch COVID-19.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ