(Toquoc)- Hoài Thanh đã xoá đi cái ác cảm của người sáng tác với những người duy lí, đứng ngoài lề mà soi xét những sinh thể nghệ thuật của họ được gọi là nhà phê bình. Sở dĩ làm được điều ấy là do Hoài Thanh đã đánh giá đúng mức vai trò của tưởng tượng trong thơ.
(Toquoc)- Không phải ngẫu nhiên mà Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh được giới văn học trân trọng đến thế. Sự thật là tiềm lực lí luận văn học tiếp thu từ phương Tây thời đó đã được các học giả ngày nay nhận diện, đánh giá và phần nào vượt qua. Từng khuynh hướng, từng hiện tượng riêng lẻ đã được nhận diện rồi ứng chiếu lại trong mối tương quan với tổng thể để định danh những sáng tạo, định lượng những kết tinh. Vậy mà, trường tồn cùng năm tháng vẫn là những dòng trực cảm của ông:
“Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hoá phương Tây, cái mầm sau này sẽ nảy thành thơ mới”
(Một thời đại trong thi ca)
Phải chăng, nhờ vào sự tưởng tượng độc đáo về mầm mống của cái tôi như thể con đường phát tán, di truyền mà gen sinh học đã giúp ông xác lập được một kỉ lục: Người nói về thơ một cách thơ nhất. Và, có lẽ, Hoài Thanh là người đầu tiên viết phê bình được các nhà văn thiện cảm. Ông đã xoá đi cái ác cảm của người sáng tác với những người duy lí, đứng ngoài lề mà soi xét những sinh thể nghệ thuật của họ được gọi là nhà phê bình. Sở dĩ làm được điều ấy là do Hoài Thanh đã đánh giá đúng mức vai trò của tưởng tượng trong thơ.
Cái lí của tưởng tượng
Không phải đợi đến khi hình thành một nền thơ hiện đại, thơ Việt Nam mới tạo ra sức gợi từ sự tưởng tượng. Các nhà thơ trung đại đã biết tạo ra những chiều kích để làm tăng sức gợi cho thơ.
Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ.
Quán Thu Phong đứng rũ tà huy
(Ôn Như Hầu)
Ai cũng biết “cổ độ” làm tăng thêm sự cổ kính, rêu phong cho chiếc cầu Thệ thuỷ ấy. Bóng “tà huy” gợi sự sầu muộn cho quán Phong Thu ấy. Hai biểu tượng một hiện thực, một ước lệ cứ soi chiếu, tương hỗ cho nhau, ảo mà thực, thực mà lung linh bởi ảo, tạo ra sức hấp dẫn của thi tứ.
Tuy nhiên, sự độc đáo ấy vẫn phụ thuộc vào một dạng chỉ định (hình ảnh của Hán từ quyết định đến biểu tượng của câu thơ tiếng Việt). Hơn nữa, đó cũng là một dạng “lối mòn” ước lệ, một dạng định hướng theo những chuẩn mực thẩm mĩ mà người xưa đã xác lập. Bởi thế, phải chờ đến thơ Mới, những câu thơ ấy mới được chắp thêm đôi cánh để được bay bổng:
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
(Bẽn lẽn - Hàn Mặc Tử)
Anh đi đấy, anh về đâu ?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
(Cánh buồm nâu - Nguyễn Bính)
Những câu thơ đẹp nhất của nền thơ hiện đại cũng là những câu giàu sức gợi mà khó diễn tả. Người ta thường nói rằng chỉ cảm được mà không cất lời lí giải nổi:
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
Thế là, người vô tâm nhất với thi ca cũng phải ưu tư mà ngẫm: “nằm nghiêng nghiêng” ấy là thế nào mà Hoàng Cầm khéo tưởng tượng vậy?
Thực ra tưởng tượng là hoạt động tâm lí nhằm xây dựng các biểu tượng mới dựa trên các chất liệu đã có (biểu tượng cũ). Những biểu tượng mới chưa hề có. Cái mới đó vẫn làm người ta dễ dàng chấp nhận bởi tính thuyết phục. Nó hệt như một con diều bay bổng nhưng không mơ hồ bởi sợi dây hiện thực luôn bám vào mặt đất:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)
Dù mặt trời như khối cầu lửa kia có mang dáng dấp con người (đi qua trên lăng) thì vẫn thuyết phục bởi lẽ: mặt trời có được nhân hoá, mang đặc tính người mới có thể nằm trong cùng hệ quy chiếu để so sánh với mặt trời nhân loại: Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Những hướng đi của tưởng tượng
Không có một biểu tượng hiện thực nào mang tính vĩnh cửu khi đặt trong chiều dài lịch sử của thời gian. Từ dải cầu vồng, nhật-nguyệt đến những ám ảnh nghệ thuật từ sự kì diệu của thiên nhiên ban tặng đều được khoa học khám phá, lí giải và phá vỡ bằng nhiều kỉ lục chân lí mới.
Thế nhưng, những gì có được nhờ vào sự tưởng tượng bằng một hồn thơ thì vẫn trường tồn, trẻ trung và khó lòng bị một chân lí khác phá vỡ. Hệt như người xưa đã từng nói:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Quả thật, mỗi câu thơ hay xác lập một biểu tượng, một kỉ lục mà theo năm tháng được người ta nâng niu, đề cao hơn là phá vỡ. Chẳng thế mà khi nền khoa học phương Tây đã vén bức màn vũ trụ trong tâm thức người Á Đông mà nghe lời thở than của Tản Đà ai cũng phải siêu lòng: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế nay em chán nửa rồi. “Cung quế” và cõi mộng ấy mãi mãi là một sản phẩm vinh cửu mà nghệ thuật ban tặng cho con người.
Không dừng ở đấy, tưởng tượng còn là lối đi kín đáo giúp nhà thơ đi sâu khám phá những bí ẩn trong tâm hồn con người, mà thám hiểm thế giới nội cảm. Ngày trước người ta có thể nói về nỗi nhớ như là một vật hiện hữu có thể đo đếm, định lượng được dù là rất nhiều:
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ.
Em thử quay xem được mấy vòng.
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ.
Em thử lào xem được mấy thưng!
(Nhớ - Nguyễn Bính)
Nhưng với tâm hồn con người ngày nay nó phải được sánh với những gì trừu tượng, phá vỡ mọi đường viền, giới hạn:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Nỗi nhớ ấy đã ngấm vào máu thịt, mơ hồ nhưng hiện hữu như một thuộc tính của tự nhiên.
Sự tưởng tượng trong thơ là gì nếu như không phải là việc câu thơ ấy khiến ta bỏ qua hình ảnh thực mà hướng theo vệt sao băng ấy để nắm bắt những biểu tượng sau đó. Giới hạn cũ không bị bỏ qua, chúng luôn được soi chiếu để nhận ra sức sống mới của biểu tượng, từ đó biên độ cảm xúc được mở rộng giúp người đọc yêu thơ hơn mà thơ luôn mới, luôn là đỉnh cao đầy thách thức.